Một nghiên cứu tại Anh lấy ý kiến của trên 3.000 người tình nguyện đã chỉ ra rằng việc “nhai đi nhai lại” những sự kiện buồn trong đời sống là một trong những dấu hiệu sớm cho các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp ngày nay. Nghiên cứu này cũng thẳng thắn cho biết, bên cạnh những biến cố, ngay cả cách chúng ta đối mặt với biến cố, cũng là thước đo cho mức độ căng thẳng của bản thân. Tất cả chúng ta đều có một kẻ xấu tính ẩn trong mình, luôn khiến chúng ta phải nghĩ lại những giây phút u buồn, bi kịch và kéo chúng ta tuột dốc. Điều quan trọng là bạn phải luôn sẵn sàng đấu tranh với “kẻ” đó.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Peter Kinderman, Chủ nhiệm Viện Tâm lý, Sức khỏe và Xã hội phân tích: “Chúng ta đều biết yếu tố di truyền học và các sự kiện xảy ra trong đời đều có tác động tới sức khỏe tâm thần. Các kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng những biến cố bi kịch là nguyên nhân chính khiến con người sống trong trạng thái lo âu, u uất. Tuy nhiên, cách mỗi người nhìn nhận vấn đề, cách xử lý những vấn đề này, giờ đây còn có ý nghĩa là điềm báo trước, là thước đo cho mức độ căng thẳng của mỗi người”.
Yêu thương chính mình
Trước đây, yếu tố tự soi xét được coi là “nguyên liệu chính” để có cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, nghiên cứu mới này dường như đã lật ngược lại vấn đề, cho thấy việc tự vấn và trách móc, về bản chất, lại không tốt như ta nghĩ. Bởi vậy, Kinderman khuyến khích mọi người nên tự tìm hiểu bản thân, dùng điều đó làm phương tiện để vượt qua những trở ngại của cá nhân, đồng thời sống thật với bản chất của mình. Ông cũng tin tưởng mãnh liệt rằng điều này chỉ có thể làm tốt khi bạn thực hiện với một tình thương, sự trắc ẩn dành cho chính mình. Bởi, để có thể đối mặt với bất cứ vấn đề gì mà không dẫn tới việc tự căm ghét hay tự vấn, mỗi người phải chấp nhận thái độ COAL (viết tắt của Curious – tò mò, Open – cởi mở, Accepting – chấp nhận và Loving – tình thương).
Nếu có được sự chuẩn bị chu đáo này, mỗi người sẽ có khả năng chiến đấu chống lại kẻ ngáng mũi lớn nhất trong cuộc đời: sự phê phán từ “tiếng nói nội tại”. Đây là viên gạch nền móng cho lý thuyết và kỹ thuật trị liệu mà chính cha của Kinderman, tiến sĩ Robert Firestone đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu. Cuốn sách mà cả hai là đồng tác giả (Conquer Your Critical Inner Voice – Chinh phục tiếng nói phê phán từ nội tại), và cũng trong nhiều bài giảng khác của ông, đều chỉ rõ rằng, trong hầu hết các trường hợp, kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình. Và giọng nói phê phán từ bên trong chính là ngôn ngữ của kẻ thù ấy.
Đó là kiểu đối thoại với nội tâm, dẫn tới việc tự phán xét, tự đổ lỗi và tự chán ghét chính mình. Tiếng nói ấy chế nhạo bản thể, khiến người ta xấu hổ, sợ hãi, đẩy người ta đến việc tự cô lập hoặc tự làm khổ bản thân. Những người bị các yếu tố này tác động quá nhiều dễ dàng mất đi niềm tin với những người thân yêu. Chúng ta cũng có thể dễ dàng bỏ quên các mục tiêu cần có vì muốn ở yên bên trong cái vỏ quen thuộc khốn khổ.
Mỗi người đều có một tiếng nói nội tại, ở những dạng khác nhau. Có người chỉ chăm chăm nghĩ về công việc: “Đừng đòi hỏi thăng tiến. Ngươi đâu thể thành công hơn được nữa”. Có giọng nói lại giáo huấn về tình yêu: “Đừng mất công hẹn hò làm gì. Vô ích thôi. Chẳng có ai yêu ngươi đâu. Số phận của ngươi là cô đơn tới chết”.
May mắn là, cũng ở mỗi người đều có một khía cạnh tích cực, có sự trắc ẩn với bản thân cũng như sự tự tin. Chỉ có điều đôi khi bạn bị rơi vào trạng thái giữa hai dòng nước. Một bên tràn đầy hoài bão, quyết tâm, một bên lại chỉ luôn chỉ trích, căm ghét và tệ nhất là tự hủy hoại.
Hẳn bạn vẫn chưa quên một câu chuyện buồn vừa xảy ra gần đây trong xã hội Việt Nam. Một người mẹ trẻ, xinh đẹp, đang có bầu 3 tháng đã tìm cách quyên sinh sau những bất đồng với gia đình chồng. Đây có thể coi là một trường hợp không thắng được những giọng nói tiêu cực từ bên trong. Nhiều phụ nữ khác đã bàng hoàng tự hỏi: Tại sao cô không tìm một lối thoát khác mà lại chọn con đường bi kịch ấy? Những ai đang ở trạng thái sáng suốt đều hiểu rằng, mâu thuẫn với gia đình chồng là điều không hiếm trong xã hội, nhưng không phải ai cũng phải chọn cách tự hủy hoại mình. Muốn bảo vệ bản thân, trước hết bạn phải yêu chính mình là vì vậy.
Cuộc đua với bản thân
Có lẽ bất cứ chuyên gia tư vấn nào cũng sẽ khẳng định rằng trận chiến quan trọng nhất của đời bạn lại là đấu tranh với phân thân đó của mình. Như Nina trong bộ phim thiên nga đen nổi tiếng phải đấu tranh với chính mình để đi đến thành công. Tin mừng là bạn hoàn toàn có khả năng thắng trận. Kinderman viết rõ điều này trong nghiên cứu của mình: “Người ta không thể thay đổi lịch sử gia đình một cá nhân, cũng như những sự việc đã xảy ra trong đời họ, nhưng vẫn có cách giúp đỡ họ thay đổi cách nghĩ, cũng như dạy họ xây dựng thái độ sống tích cực hơn để giảm tác hại của stress”.
Bạn có thể bắt đầu liệu trình này bằng việc áp dụng chiến thuật “không khoan nhượng” cho những “giọng nói” hay suy nghĩ tiêu cực. Bởi những thái độ này đã được hình thành từ khi bạn còn bé, khó có thể phân biệt được đâu là giọng nói phê bình từ bên trong, đâu là điều bạn rút ra từ những quan sát trong cuộc sống. “Tiếng nói” ấy có thể rất quỷ quyệt, và khiến bạn mơ hồ. Nó còn có thể tác động tới những sự vật có thật. Ví dụ, nếu bạn là người nhút nhát, nó sẽ luôn nhắc bạn rằng: “Ngươi là đứa rụt rè, đừng đi tới buổi tiệc đó. Tốt nhất là ở nhà mà đọc sách. Tới đó chỉ tổ lạc lõng mà thôi”. Điều này xảy ra rất thường xuyên, chúng ta “nghe” được những suy nghĩ trong khi bản thân không ý thức được mình đang nói chuyện với chính mình.
Bởi vậy, bước đầu tiên để chống lại giọng nói phê phán bên trong là nhận biết được khi nó bắt đầu lên tiếng. Bạn bắt đầu tự phê phán bản thân từ lúc nào? Điều gì châm ngòi cho cuộc chiến đó? Có phải vì một sự kiện nào đó trong cuộc sống? Hay vì bạn sắp phải phát biểu ở cuộc họp? Hoặc bạn sắp mời ai đó đi chơi? Một khi nhận thức được những điều đánh thức giọng nói ấy, bạn sẽ có khả năng phân tích rõ hơn các hình thái suy nghĩ của mình, để rồi nhận ra bạn đang công kích chính mình. Sâu xa hơn, bạn sẽ có khả năng từ chối nghe những điều đang thốt lên từ tâm trí.
Bước tiếp theo nghe có vẻ đơn giản nhất, nhưng thực tế lại là khó khăn nhất. Một khi bạn nhận ra đang có giọng nói vang lên trong đầu, hãy dừng nó lại, dừng mà không cần đắn đo. Không cần khoan nhượng với bất cứ lý do nào “kẻ thù” đang nói với bạn. Một trong những biện pháp chính là hãy luôn nhắc mình rằng tâm trí chỉ đang cố đánh lừa. Nếu cảm thấy bạn đang làm khổ bản thân vì những điều không đáng, hãy hít thở sâu và viết ra giấy: “Những ý nghĩ này không xuất phát từ nỗ lực nhằm giúp mình đi đúng hướng, mà chỉ đang kéo mình đi xa khỏi mục đích cuộc đời”.
Để đơn giản hơn, bạn hãy thử so sánh chuyện này với việc mặc quần áo. Khi đứng trước gương, bạn bắt đầu có thói quen săm soi những lỗi nhỏ trên diện mạo của mình. Nào là “sao tay mình gầy trơ xương thế”, hay “đùi mình to như cái cột nhà”. Để rồi những ý nghĩ tiêu cực này leo thang: “Mình xấu quá. Tại không chịu tập tành chăm chỉ. Chẳng bao giờ mình trông hấp dẫn được cả. Trông mình ghê quá”. Vậy là từ chỗ đang vui vẻ chọn đồ để đi làm, tiệc tùng hay đi mua sắm với bạn bè, bạn nhanh chóng rơi vào cảm giác buồn chán. Kết quả là cả ngày hôm đó, bạn thiếu tự tin hơn nhiều.
Đó là lý do bạn không được khoan nhượng trước dấu hiệu đầu tiên, khi bánh xe giọng nói kia bắt đầu dịch chuyển. Đừng cho phép bản thân suy nghĩ về những điều nó nói. Đừng để bị lừa phỉnh bởi những ý nghĩ có vẻ rất thân thiện như: “Độc thân cũng tốt mà. Ở một mình cũng vui, mình đâu cần có thêm ai khác”. Bởi điều đó sớm muộn cũng sẽ dẫn tới các cảm giác phóng đại mức độ trầm trọng: “Chả ai nhìn ra được ưu điểm của mình cả. Người ta không trân trọng mình. Họ chỉ ghen ghét với mình thôi”, hay “Mình sẽ không gặp may. Mình sẽ chẳng bao giờ được ai chia sẻ”. Thế rồi bạn bị cảm giác trống trải chiếm lĩnh, dẫn tới việc đi ngược đường so với dự định ban đầu. Và suy nghĩ tiêu cực kiểu đó sẽ còn tiếp diễn: “Đó, lại một mình rồi. Đúng là kẻ bỏ đi”.
Một khi đã nhận thức được mình đang suy nghĩ quá đà, và luồng suy nghĩ đang dần trở nên tiêu cực, bạn đã có khả năng chặn đứng sự tự suy xét, thậm chí đánh bại nó. Một phần của chiến thuật “không khoan nhượng” là bạn không cho những giọng nói đó có cơ hội ảnh hưởng tới hành động của mình. Nếu nó nói rằng bạn cô đơn, hãy rủ một người bạn đi cà phê và nói chuyện về bất cứ đề tài gì. Nếu nó chế nhạo thành công của bạn, hãy tự ứng cử mình vào vị trí cao hơn đang để ngỏ. Hãy hành động để kéo bạn tới gần bản năng tốt hơn.
Khi bạn vừa mới thay đổi điều gì đó ở bản thân, có thể giọng nói đó sẽ gào lên to hơn. Tuy nhiên, bạn càng duy trì được những hành động này lâu, giọng nói sẽ càng lúc càng nhỏ. Nó sẽ bị khuất phục trước phần tỉnh táo, yêu thương bản thân của bạn. Từng bước một, bạn sẽ biết khi nào thì nên cảnh tỉnh bản thân, và cảnh tỉnh đến đâu là đủ. Hãy bước ra khỏi “vùng thoải mái” của chính mình, để biết rằng cuộc sống vẫn còn nhiều lựa chọn và không ai, cho dù đó là chính bạn, có thể ngăn cản bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bí quyết cho bạn
Phụ nữ thường hay tự đổ lỗi, hi sinh bản thân cho người khác và vì thế, cũng hay rơi vào trầm cảm vì những điều nhỏ nhặt. Học cách để yêu thương bản thân mình cũng là học cách yêu thương mọi người, và chúng ta có thể làm được điều đó qua các bước:
1. Cân nhắc cách đối xử với người khác. Điều đơn giản nhất bạn có thể làm ngay lúc này là tự hỏi mình sẽ làm gì khi một người nào đó bạn quan tâm tìm đến bạn sau khi họ bị thất bại, tổn thương hay từ chối. Bạn sẽ nói gì đây? Bạn sẽ đối xử với họ như thế nào đây?
2. Trân trọng những gì bạn nói với bản thân: Phụ nữ thường chỉ trích bản thân, dù họ không phải lúc nào cũng nhận ra điều đó. Vì thế, việc đặc biệt lưu ý đến những từ ngữ bạn vẫn dùng để tự đối thoại với bản thân sẽ rất có ích cho bạn. Đừng trút lên bản thân những lời bạn không muốn nói với người bạn yêu mến.
3. Tự an ủi bản thân với những cử chỉ dịu dàng: Những cử chỉ dịu dàng sẽ có tác dụng tức thì đối với bạn, giúp bạn cảm thấy đầu óc thư giãn hơn. Điều quan trọng là những cử chỉ ấy có thể giúp bạn tạm quên đi những gì đang xảy ra trong tâm tưởng mà dồn sự chú ý của bộ não về phía các giác quan. Khi rơi vào trạng thái chán ngán với bản thân, hãy thử đặt tay lên trái tim, hoặc tự vòng tay ôm mình. Cử chỉ nào cũng được, chỉ cần thật dịu dàng.
4. Học thuộc lòng những câu nói để thể hiện lòng yêu thương bản thân: Bất cứ khi nào bạn chợt nhận thấy đang tự trách móc bản thân, hãy tự đọc lên những câu nói giúp bạn xua tan đi cảm giác đó, kết hợp với cử chỉ an ủi như đã nói ở trên. Đó có thể là bất cứ câu nói nào giúp bạn dễ chịu hơn với bản thân mình, chẳng hạn “Đây chỉ là một thử thách mà ta cần đối mặt”, “Cuộc sống không hoàn hảo và bản thân ta cũng vậy”…
5. Ngồi thiền: Không có gì giúp bạn tìm đến sự tĩnh lặng, một trạng thái sáng suốt tốt hơn việc ngồi thiền. Để học được cách ngồi thiền sao cho đúng, đưa cảm giác tiêu cực ra khỏi tâm trí, tìm lại được sự an nhiên, bạn nên theo học những người có kinh nghiệm trước rồi sau đó thực hành mỗi ngày tại nhà.