Truyện ngụ ngôn

Ernest and Célestine: Câu chuyện ngụ ngôn về tình bạn

Ernest and Célestine: Câu chuyện ngụ ngôn về tình bạn

Không sử dụng công nghệ 3D, kỹ xảo đẹp mắt, bộ phim hoạt hình của Pháp và Bỉ vẫn vượt qua nhiều ứng viên sáng giá để lọt vào top 5 đề cử cuối cùng của Oscar 2014.

Truyện ngụ ngôn đẹp về tình bạn của Chuột và Gấu


Bắt đầu bằng nghi thức kể chuyện đêm khuya, Ernest and Célestine của nhóm đạo diễn Stéphane Aubier, Vincent Patar, Benjamin Renner gợi liên tưởng nhiều đến môtip chuyện cổ tích. Những con gấu lớn có sở thích săn lùng những chú chuột nhắt, ăn ngấu nghiến cả đàn bằng hàm răng nhọn sắc vì thế gấu và chuột không thể làm bạn cùng nhau - chuyện ngụ ngôn bắt đầu.

Câu chuyện kể về chú chuột Célestine mồ côi, thích vẽ tranh nhưng được học để trở thành một nha sĩ và chú gấu Ernest to lớn, sống cô độc trên núi cao. Một ngày, Ernest tìm thấy Célestine dưới nắp thùng rác bên vệ đường khi đi kiếm thức ăn. Hai bạn nhanh chóng làm quen, giúp đỡ nhau đột nhập kho lương thực và đánh cắp những chiếc răng trong một cửa hàng. Số phận run rủi khiến cho chú chuột nhắt và chú gấu khổng lồ phải đồng hành khi trốn chạy sự truy đuổi của pháp luật…

 


Poster phim "Ernest and Célestine". (Ảnh: A
nimatedfilmreviews.Filminspector)


Ernest and Célestine mang những yếu tố đặc trưng của truyện cổ tích thời hiện đại với các nhân vật bên lề xã hội, có số phận, hoàn cảnh thương tâm. Célestine vốn là một chú chuột mồ côi, yêu thích vẽ tranh nhưng phải học ngành nha sĩ. Ernest là một chú gấu hề, một nghệ sĩ đường phố nghèo, sống cô độc với cây đàn cũ, không người bầu bạn. Mặc dù mang nỗi bất hạnh khác nhau nhưng chuột và gấu đều gặp nhau ở tấm lòng lương thiện, sự sẻ chia trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác.

Trên nền câu chuyện cổ tích với các nhân vật đáng thương ấy, các nhà làm phim gửi đến người xem một câu chuyện ngụ ngôn đầy nhân văn, sâu sắc thời hiện đại. Bức tranh về một xã hội thực dụng và định kiến được các hoạ sĩ vẽ lên trên tông màu nước với những gam màu trung tính, không quá cực đoan.

Đó là một xã hội bị đóng đinh bởi những quan niệm loài khác là xấu xa, như “gấu là những con ác quỷ khổng lồ chuyên ăn thịt chuột”, “chỉ có trở thành nha sĩ là con đường tốt nhất cho tương lai” hay “gấu và chuột tuyệt đối không thể trở thành bạn”.

Những hình ảnh biểu tượng được đan cài, lồng ghép khéo léo vào các tình tiết như sự đối lập về kích thước giữa Célestine và Ernest, giữa thế giới trên mặt đất và dưới lòng đất nhằm ẩn ý về sự phân biệt các đẳng cấp, giống loài khác nhau.

Cùng với đó, những hình tượng nhân vật đảm nhiệm vai trò là “cái loa phát ngôn” của xã hội như bà chuột già quản sinh của trường nội trú với điệp khúc “Những con gấu gian ác khổng lồ sẽ ăn thịt các ngươi” hay thầy giáo nha khoa với tư tưởng “Sự sống còn của loài chuột là ở cái răng cửa, do đó chỉ có nha khoa là ngành học có tương lai”… cũng là những ẩn dụ đầy mỉa mai trong câu chuyện ngụ ngôn đa nghĩa này.

 


Chuột ra sức học để trở thành nha sĩ. (Ảnh nguồn: Vkool)


Sử dụng lối làm phim hoạt hình vẽ tay truyền thống, Ernest and Célestine có thể coi là tập hợp một chuỗi bức tranh được ghép lại mà các nhân vật, đồ vật trong đó vận động từ trạng thái này sang trạng thái khác. Không quá cầu kỳ đi vào tiểu tiết, các nét vẽ phóng khoáng, tự do trên gam màu dịu nhạt khiến người xem ít nhiều liên tưởng đến những cuốn truyện tranh cổ tích đã bạc màu thời gian còn sót lại.

Tạo hình các nhân vật của Ernest and Célestine cũng trên tinh thần đó. Không phải là những con vật mắt to, tai dài, lông đủ màu sắc được mô phỏng theo hướng ngộ nghĩnh, lạ mắt như trong Shrek, Ice Age, Up, Madagascar… Sự đơn giản hoá tạo hình theo chuẩn mực của những phim hoạt hình đời đầu như Tom and Jerry, The Lion King... với hình ảnh chuột bé bằng lòng bàn tay, đuôi dài, có hai răng cửa hay gấu nhiều răng, răng nhọn, bụng phệ… đã được lựa chọn một cách thống nhất với hơi hướng cổ điển của bộ phim.

Không đi theo trào lưu phim hoạt hình 3D hay chủ nghĩa tạo hình ấn tượng, Ernest and Célestine có lẽ sẽ dễ trở nên mờ nhạt và nhàm chán đối với khán giả đương đại nếu không có những cú đột phá, những dấu ấn cá nhân của nhóm đạo diễn Stéphane Aubier, Vincent Patar, Benjamin Renner.

Sự độc đáo của bộ phim không chỉ nằm ở tinh thần cổ điển, hồi cố truyền thống mà còn ở nghệ thuật dựng phim và kết cấu phân tầng không gian tương ứng với cấu trúc giai tầng xã hội.

Hai phiên toà xử chú gấu Ernest tại thế giới chuột và chú chuột Célestine tại thế giới gấu được tái hiện song song trên màn ảnh với những pha chuyển cảnh, cắt cảnh mạnh mẽ, dứt khoát.

 


Tình bạn của gấu và chuột được thể hiện trong phim qua những chi tiết tinh tế. (Ảnh: Vulture)


Những cuộc tranh cãi dồn dập theo nhịp phim về quyền tự do theo đuổi ước mơ, về những định kiến xã hội sai lệch và về niềm tin gấu và chuột nhất định sẽ sống được cùng nhau lặp lại xen kẽ tại cả hai phiên toà. Một xã hội phân chia giống loài, pháp luật nằm trong tay số đông, kẻ mạnh có quyền chỉ đạo kẻ yếu chưa khi nào hiện lên sinh động và hồn nhiên đến thế.

Cái kết chính là yếu tố cuối cùng để hoàn thiện một câu chuyện ngụ ngôn - cổ tích gối đầu giường của cả trẻ con lẫn người lớn ngày xưa. Người yếu đuối được bảo vệ, những tấm lòng nhân ái được nhận ra, lý thỏa hiệp được với tình và kết cục sau cuộc đấu tranh cho một trật tự xã hội mới được thiết lập.

Hai năm trước, khi cả thế giới tưởng chừng như đã lãng quên phim câm, The Artist được xướng lên trên thảm đỏ Oscar trước hàng triệu con mắt vừa ngỡ ngàng vừa thán phục của khán giả. Giờ đây khi mọi người đã quen dần với kính 3D và đánh mất dần những cuốn băng video Tom and Jerry, The Lion King cũ, sự xuất hiện của Ernest and Célestine trong danh sách đề cử giải thưởng Oscar 2014 ở hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất” liệu có hứa hẹn một cuộc lội ngược dòng nữa của Hollywood?

 

Ảnh nguồn: 
Nguồn: VNExpress

BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC

Bài viết khác