Ngày xửa ngày xưa, có một lão phú nông nọ, suốt đời hùng hục làm việc nên của cải rất nhiều. Thế nhưng nhìn ông rất giản dị, ông luôn mặc một bộ đồ nông dân, có đôi chỗ vá. Nhà ở tuy kiên cố nhưng không khang trang như những nhà phú nông khác, bữa ăn cũng thường đạm bạc.
Có người bạn lâu ngày ghé lại chơi thấy vậy mới hỏi lão phú nông:
- Bác bây giờ đã thành phú nông, của cải có thừa sao vẫn cứ hùng hục làm việc, lại nỗi không chưng diện cho thiên hạ trầm trồ như bao phú nông khác?
Ngày xưa trẻ, muốn ăn chơi, ngặt nỗi lại nghèo. Giờ khá giả hơn trước nhiều thì tuổi già lại đến, muốn ăn một bữa no thì dạ dày lại không thể tiêu hóa, muốn mặc bộ đồ đẹp lại sợ người khác chê cười. Thành thử phải cứ sống thế này. Vả lại nhà có hai đứa con trai, mình sống khiêm tốn, giản dị để làm gương cho chúng. Dạy cho chúng biết cách làm người cho tốt và biết yêu quý lao động.
Lúc lão phú nông nói chuyện với khách thì hai đứa con lão đang ở dưới nhà, nghe vậy thằng anh bảo:
- Ông già keo kiệt thì có chứ khiêm tốn gì, sống không lo ăn chết có mà đem xuống mồ.
- Ông em họa theo:
hôm bữa muốn xin ổng vài đồng bạc sắm bộ đồ mới, ổng bảo: đồ mày còn mặc được thì sắm làm gì, tao mặc quần vá còn chả sao. Rõ là keo.
Hai cậu quý tử của lão tranh nhau kể thêm một vài đức tính giản dị của lão phú nông nữa rồi bỏ đi chơi trong khi ở nhà trên ông khách cứ là phục lăn phục dài cái đức tính giản dị, khiêm tốn của lão phú nông…
* Thời gian cứ thế trôi đi, hai cậu quý tử đã trưởng thành, một hôm anh con cả dẫn một cô gái ở huyện về giới thiệu với lão phú nông là ý trung nhân của mình. Sau bữa cơm ông kéo anh trai cả ra sau nhà mắng té tát:
- Mày ham chơi lêu lổng từ nhỏ, không lo cưới mấy cô gái dưới quê làm vợ để nó lo làm nuôi mày, lấy con gái thành thị có mà ra đường ăn xin !
- Bố chẳng biết gì về tình yêu cả! Anh trai cả phụng phịu. Cứ như bố thì lấy vợ về để làm vú và kinh tế à?
- Vú và kinh tế còn đỡ hơn ra đường, yêu với chả đương. Mày biết tí gì về tình yêu không mà bảo yêu?
- Tôi không biết tí gì về tình yêu nhưng tôi biết cách chọn vợ, tôi muốn có một cô vợ đẹp để người ta trầm trồ ghen tị.
- Mày bị sắc đẹp mê hoặc mà không biết thân, người ta lấy nhau để sinh con đẻ cái, cùng nhau làm ăn chứ không phải vì sắc đẹp đâu con ạ. Mày không nghe lời tao có ngày cũng phải ra đường.
- Ra đường cũng mặc!
Nghe lời xưng xỉa của anh con trai lão phú nông chẳng biết làm gì hơn, cuối cùng đành phải chấp nhận.
Ngày cưới, lúc trao quà cho con, ai cũng tưởng lão phú nông sẽ cho con rất nhiều vàng bạc, dù gì anh trai cả cũng là người thờ tự sau này. Nhưng không, trước quan viên hai họ, lão dõng dạc:
- Tôi cho chúng nó mười mẫu ruộng để mà mần ăn. Có tiếng xì xầm nổi lên, anh con út nói nhỏ vào tai người yêu:
- Rõ là keo, không biết tới phiên chúng mình lão sẽ nghĩ ra trò keo kiệt gì nữa đây.
Cô con dâu thì mặc đỏ bừng, quên cả ý tứ kéo tai chú rể lại nói:
- Hay bố anh trả thù?
Những lời xì xầm vẫn tiếp diễn nhưng vì ngày vui nên không ai dám bàn tán rôm rả, họ chỉ nói nhỏ vào tai nhau.
Trong khi đó lão phú nông vẫn cứ đinh ninh rằng mình đã dạy cho các con một bài học về tình yêu lao động, rằng mọi người sẽ phục lăn cái ý nghĩ to lớn của ông. Ngày cưới rồi cũng qua, mặc dù khó chịu ra mặt nhưng anh con cả cũng không dám nói gì.
Anh thường bảo cô vợ:
- Em bực tức làm gì, lão già rồi, sớm muộn của cải cũng vào tay mình thôi.
- Ngốc như anh thì biết của cải vào tay mình hay tay ai?
- Em nói gì lạ vậy, tôi là con cả trong nhà, của cải không vào tay tôi thì tay ai?
- Được cái nói điêu, cái chức cả của anh lớn quá đến độ được mười mẫu ruộng.
Anh chồng giận đỏ mặt nhưng vẫn ra bộ làm im, giờ mà cãi nhau với vợ thì ông bố có dịp làm tới, rằng “mày không nghe lời tao”. Ai chứ bố anh thì anh còn lạ gì.
Nghĩ vậy anh đấu dịu:
- Mình cứ chống mắt ra mà nhìn, nhất định tôi sẽ lấy hết gia sản của ông lão.
- Mình hứa đó. Tôi chờ.
* Lão phú nông ngày một yếu đi, một hôm lão kêu hai vợ chồng anh cả và đứa con út tới bên giường rồi bảo:
- Cha già rồi, chắc không sống được bao lâu nữa.
Chị con dâu tặc lưỡi, nghĩ thầm: già rồi thì chết, sống lâu làm gì cho báo hại người ta.
Anh chồng làm bộ đau thương:
Bố nói gì mà lạ thế, bố còn sống tới trăm tuổi.
- Sống tới trăm tuổi để vợ chồng anh rủa tôi à? Lão già nói rồi ôm bụng ho khục khặc.
- Có trời chứng cho tấm lòng chúng con. Anh con trai cả càng làm ra vẻ đau đớn.
Anh con út đứng ngây người ra, rồi chợt nghĩ: hai người này sao cứ làm bộ đau đớn, hay muốn diễn kịch cho ông già chết sớm? mà kệ, rứa cũng hay, mình sớm được chia gia tài.
- Thôi tôi hiểu tấm lòng anh chị rồi.
Lão phú nông nói giọng não nề.
Hôm nay tôi gọi các anh chị tới là muốn nói với các anh chị một điều, số là tôi có một số vàng, tôi chôn dưới mấy đám ruộng mà giờ không nhớ được đám nào, sau khi tôi chết, anh chị cố gắng cày xới từng đám lên mà tìm, tìm được rồi thì dùng vàng đó để làm ăn, đừng có tiêu pha phung phí mà có ngày trắng tay rồi người ta cười vào mặt tôi là không để lại gì cho con, tôi chết không cam lòng. Nói xong lão phú nông ho mấy tiếng rồi tắt thở.
Đám tang lão được tổ chức vội vàng, đúng với đức tính giản dị của lão. Anh trai cả có khóc mấy tiếng nhưng trong bụng mừng ra mặt, anh cứ đắm mình nghĩ đến lúc cầm hũ vàng để trước mặt vợ rồi giả vờ châm chọc: đấy! mình còn khinh tôi nữa không? Chị vợ chắc sẽ cười nghiêng ngửa rồi ngã vào lòng anh. Anh nghĩ thế mà thấy sướng điên lên.
Chôn cất lão phú nông xong, hai anh em nhà kia liền xoắn ngay ống quần lội xuống ruộng cày xới, lật tung từng đám này đến đám khác nhưng chẳng thấy vàng đâu. Mấy mùa liên tiếp cũng như vậy. Nhìn đồng lúa vàng óng trước mặt, chị vợ sầu đứt ruột, rồi như thể phát hiện ra điều gì lí thú chị kêu lên:
Lão Phú Nông trước khi nhắm mắt đã dạy các con rằng quý trọng sức lao động và nó chính là tài sản lớn nhất của đời người (Ảnh: QueHuongOnline)
- Hay là ông cụ trả thù?
- Chị cứ suốt ngày trả với chả thù. Anh con út gắt.
- Ngày trước có dạo bố lên huyện nói là đi công việc quan trọng, hay lúc đó ông cụ có gửi bí mật về số vàng chôn giấu của mình cho mấy người bạn thân của bố, chờ ông cụ mồ yên mả đẹp rồi họ mới báo cho mình? Anh chồng ra vẻ đăm chiêu nói.
- Ai đời đi gửi vàng vào tay người khác, nghĩ thế mà cũng nghĩ à? Chị vợ nói giọng mỉa mai.
- Thì tôi cũng chỉ nêu ra giả thuyết thôi, biết đâu đấy.
- Thôi cãi vã làm gì, để xác minh ngày mai tôi đi huyện, rồi đi những nơi bố quen hỏi thăm thử. Anh con út giảng hòa.
- Thế cũng được, nhưng chú nói khéo vào tí cho. Nhỡ…
- Biết rồi.
Đêm đó trong căn phòng của mình, người ta nghe được tiếng chị vợ bàn với anh chồng:
- Ngày mai mình cho chú út một số tiền kha khá để đi đường.
Chưa kịp nghe vợ nói hết câu, anh chồng đã gắt:
Tự nhiên đi cho tiền nó?
- Mình không hiểu ý tôi rồi, chú út xưa nay ham hố cờ bạc, mình cho chú ấy nhiều tiền khi lên huyện nhất định sẽ lao vào bài bạc, bị người ta móc hết rồi, có khi bị mắc nợ rồi đi tù mấy năm.
- Nhưng chú ấy là em mà. Anh chồng phân vân.
- Em với chả anh, không có số vàng chôn giấu ấy anh tưởng tài sản ông cụ còn nhiều lắm chắc, đuổi chú ấy đi rồi vợ chồng mình độc chiếm. Sướng.
- Nhưng chú ấy đi tìm vàng mà.
- Vàng đâu trên huyện mà tìm, tôi biết chú ấy nhân cơ hội để đi chơi cho thỏa cái ham hố của mình thôi. Mình giúp chú ấy cũng coi như giúp mình vậy mà.
Anh chồng phân vân hồi lâu nhưng với bản tính sợ vợ cuối cùng anh cũng bằng lòng.
Người em út đi mấy ngày quả nhiên có người trên huyện xuống bảo chú ấy cờ bạc bị mắc nợ mấy vạn quan. Vợ chồng người anh kiên quyết không trả nợ cho em nên người em bị bắt đi tù. Hai vợ chồng người anh ở nhà.
Vì tiêu sài phung phí lại nhác lao động nên phải bán dần đất đai của mình. Cuối cùng điều gì đến cũng đến, họ trở thành ăn mày, xấu hổ trốn đi biệt tăm.
Nghe nói làng đó có anh nông dân, một ngày kia bỗng dưng trở nên giàu có nhất làng. Có người đến chúc mừng và bảo anh chỉ cách làm ăn. Anh nhà giàu chỉ mỉm cười và nhìn cánh đồng lúa vàng óng của mình.
P/s:bàn tay ta làm ra tất cả-có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Sưu Tầm