Truyện ngụ ngôn

Truyện Ngụ Ngôn: Người học trò và con hổ

Truyện Ngụ Ngôn: Người học trò và con hổ

Trong cuộc sống không phải lúc nào lòng tốt cũng được báo đáp nếu lòng tốt đó ta trao cho những kẻ độc ác. Cũng giống như ông cha ta thường nói "Nhân từ với kẻ địch là tàn nhẫn với chính mình" vậy. Đó chính là những bài học xương máu được rút ra từ truyện ngụ ngôn "Người học trò và con hổ".

Người học trò và con hổ: Lòng tốt không phải dành cho kẻ ác


Một con hổ đi dạo trong rừng, vô tình bị lọt vào bẫy. Con vật hung hăng giãy giụa, hết húc đầu đến dùng răng gặm bẫy tìm cách chui ra, nhưng bẫy làm bằng những cây tre đực rất chắc nên không thể làm gì được. Đương cơn nguy khốn, bỗng có một người học trò đi qua. Thấy người học trò, hổ bèn lấy giọng ngọt ngào:

- Chào thầy tú, làm sao thầy tú lại đi vào nơi nguy hiểm này. Chao ôi! Thầy không biết rằng bạn bè tôi hiện đang ở khắp mọi ngả để rình mồi đấy ư? Thôi, chúng ta hãy giao ước với nhau điều này nhé! Về phía thầy, thầy làm ơn mở nắp cho tôi ra. Về phía tôi, tôi sẽ luôn luôn bảo hộ thầy, không để cho một con hổ nào động đến. Mặt khác, tôi sẽ làm cho dân vùng quanh đây kính trọng thầy, tôn thờ thầy như một vị thần.

  Người học trò đáp:

  - Nhưng nếu ta mở cho ngươi ra, ngươi sẽ ăn thịt ta mất!

  Nghe nói thế, hổ một hai xin thề và nói: 

 - Chao ôi! Thầy tú! Thầy há lại không biết rằng tôi là kẻ xưa nay chưa hề nói dối! Tôi đã nói không ăn thịt thầy thì lẽ nào vì một miếng ăn mà tôi làm sai lời. Tôi là chúa sơn lâm có đâu lại phí mất tiếng tăm của tôi. Thầy hãy mở cho ra, suốt đời tôi sẽ không quên ơn.

Người học trò nhẹ dạ nọ cảm động về những lời khẩn cầu của chúa sơn lâm, và tin vào những câu thề thốt nặng lời của nó, nên vui lòng rón tay làm phúc. Cần bẫy một khi kéo lên, hổ ta nhanh nhẹn chui ngay ra, ngáp dài và gầm lên một tiếng làm cho người học trò giật mình kinh hãi:

  - Ôi! - người học trò nói, ngươi hét to quá làm ta đinh tai nhức óc.

 


Hổ một hai van xin người học trò gỡ chốt bẫy mong cầu thoát ra (Ảnh nguồn: Onbox)


Nhưng nếu lúc nãy hổ tỏ ra hèn hạ quỵ lụy bao nhiêu thì bây giờ lại lộ mặt hung hăng trắng trợn bấy nhiêu. Nó đổi giọng:

- Tiếng của tao làm mày khó chịu ư? Tao còn muốn ăn thịt mày nữa kia đấy!

 - Ngươi vừa mới giao ước thề bồi với ta chưa buông mồm, sao đã trở mặt nhanh như vậy?

 Người học trò chưa kịp dứt lời, hổ đã gầm lên:

- Tao cám ơn lòng tốt của mày. Nhưng mày phải hiểu rằng cái bụng đói của tao thì không cần biết phải trái gì hết. Tao nhịn đói đã mấy ngày nay và bây giờ thì cần có sức để trở về hang cái đã. Vậy mày hãy nộp mạng cho tao đi!

Trong khi con vật phản phúc đang tìm cách nuốt trôi lời hứa thì một vị thần Núi biết được câu chuyện. Thương hại người học trò bị mắc lừa, thần Núi bèn hiện ra trước mặt hai bên với trạng mạo một ông quan tòa mặt mũi dữ tợn, mắt sáng long lanh, râu tóc trắng xóa. Thần nạt lớn:

- Chúng mày làm gì mà cãi nhau ồn ào ở đây? Ai phải ai trái? Hãy nói ngay cho ta rõ, ta sẽ phân xử cho.

Người học trò vội kể lại câu chuyện vừa qua. Nhưng hổ đã chỉ vào cái bẫy mà cãi biến:

- Làm gì có chuyện đó. Tôi đang ngủ yên lành trong kia thì bị tên này ở đâu đến quấy nhiễu. Không những nó không cho tôi nghỉ ngơi mà còn tìm cách hại tôi. Vì thế, tôi phải ăn thịt nó để trả thù.

Thần phán bảo: 

- Đúng! Ngươi có quyền trả thù kẻ nào dám xâm phạm chỗ ở của ngươi. Nhưng ta lại không tin rằng đó là chỗ ở của ngươi. Vì thân hình ngươi to lớn dường vậy làm sao có thể nằm trong một chỗ chật hẹp như kia được chứ? Bây giờ thì hai bên sẽ trở lại đúng nguyên vị trí cũ, ta sẽ xem xét và phân xử sau. 

 


Vì thương xót cậu học trò bị mắc mưu của chúa tể sơn lâm, thần Núi xử trì công minh cho cậu học trò (Ảnh dẫn theo Youtube)


Hổ tin rằng mình thắng nên hí hửng chui vào bẫy. Lập tức vị thần hạ cần bẫy xuống và mắng hổ: 

- Đồ khốn kiếp! Mày đã bội ước và lấy oán trả ơn đối với người đã cứu mày. Giờ thì mày đừng có mong ai cứu cho nữa. 

Và quay lại phía người học trò, vị thần nói: 

- Và đấy là một bài học rất quý cho ngươi! Cần phải tốt và nhân hậu đối với mọi người, nhưng trước hết phải nhớ rằng chớ có bao giờ tốt và nhân hậu đối với kẻ độc ác cả.

Đọc truyện ngụ ngôn trên ta thấy sự ngây thơ và cả tin của anh chàng học trò suýt khiến anh phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, nếu không được thần núi cứu giúp. Và thần núi cũng đã dạy anh một bài học quý giá, đó là: "Cần phải tốt và nhân hậu đối với mọi người, nhưng trước hết phải nhớ rằng chớ có bao giờ tốt và nhân hậu đối với kẻ độc ác cả".

Đúng vậy, trong cuộc sống, nếu ta quá cả tin vào lời nói bên ngoài và trao lòng tốt cho những kẻ độc ác thì người phải chịu tổn hại sẽ là chính bản thân mình.

 

Nguồn: MDocTruyen

BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC

Bài viết khác