Câu chuyện cuộc sống

Chúng ta đang hoài nghi tất cả

Chúng ta đang hoài nghi tất cả

Tôi không thích việc các bạn trẻ cứ giữ một thái độ hoài nghi với mọi thứ tốt đẹp diễn ra quanh mình. Bạn này khóc vì bạn kia có phải là thật? Bạn này xinh thế nhưng chắc là thẩm mỹ thôi? Bạn kia đi làm từ thiện mà chắc gì đã là từ thiện thật? Mỗi ngày, mỗi sự việc, có đến hàng trăm tỉ những câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra để nghi ngờ tính chất của sự việc. Nhưng sự hoài nghi đó vào cuộc sống có thực là đúng?

....

Nhiều người dường như đang cầm lưỡi gươm tư duy đã cùn mòn, thậm chí trơ ra chuôi gỗ để đi chọc ngoáy và tấn công người khác. Họ phí hoài tư duy của mình và trở thành những đứa trẻ ngu ngơ nhất, hoài nghi với mọi thứ trong cuộc sống bằng các thắc mắc ngờ nghệch và nông cạn. Họ hoài nghi tất cả nhưng lại không tư duy tí gì.


Ai trong chúng ta đã cảm thấy nản chí khi đọc những dòng bình luận dưới bài viết về đám tang của một người trẻ có tài: “Đứng khóc thì vậy thôi chứ chắc gì đã buồn thật”, “Nước mắt cá sấu, làm màu thì có chứ yêu thương gì nhau đâu”. Hay những dòng nhận xét về một cô bạn dễ thương, có tài nào đó được nhiều người biết đến: “Này, bỏ ra bao nhiêu tiền để mua bài viết này vậy?”. Hay là về một cậu bạn nào đó kiếm được nhiều tiền nhờ công sức của mình: “Chắc gia đình có điều kiện chứ nếu không thì còn lâu”. Gần đây nhất, khi đội tuyển Việt Nam bất ngờ thua cuộc trước Malaysia trong trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014, bao nhiêu người đã nhất mực nghi vấn, thậm chí quả quyết khẳng định các chàng trai Việt bán độ và không thi đấu hết mình?


Bạn thấy gì? Tôi thấy ở đây là những hoài nghi thảm hại của một thế hệ đang tìm cách thể hiện trí khôn của mình nhưng hoàn toàn thất bại. Họ là những cá thể ngây ngô, bị tiêm nhiễm vào đầu sự bi quan nặng nề về cuộc sống, họ xù lông với những giá trị đẹp và cho rằng chúng giả tạo. Nhưng sự thật chỉ đơn giản là họ không chấp nhận được việc bản thân đã tụt lại phía sau, tâm hồn đơn giản của họ không đủ sâu để nuôi dưỡng những câu hỏi đúng đắn. Hay nói đơn giản hơn, sự hoài nghi của những người trẻ nọ không gì khác gì nỗi hờn dỗi của một đứa trẻ con, ghen tị khi mình không bằng những cá nhân nổi bật khác. Hãy cứ hoài nghi, nhưng phải có tư duy!


Đặt cho mình những câu hỏi là đúng. Nhưng hãy dùng tư duy để hoài nghi và đặt câu hỏi. Thay vì ngờ vực mà nói: “Chắc chỉ làm màu thôi chứ có buồn lắm đâu mà khóc to vậy”, thì hãy đặt câu hỏi cho chính mình: “Nếu bạn thân mình qua đời thì mình có buồn giống họ không?”. Thay vì dè bỉu: “Nhà có điều kiện nên mới có cơ hội làm giàu”, thì hãy đặt câu hỏi :”Họ có nền tảng để làm giàu, vậy họ làm gì để phát triển cái nền tảng đó và có được thành quả như bây giờ?”. Mỗi câu hỏi bạn đưa ra không chỉ đơn thuần là một câu hỏi chờ được người khác trả lời, mà còn là một ý niệm bên trong bạn để bạn thấy yêu hơn cuộc sống này và là sự mong mỏi không ngừng tiến lên phía trước của chính mình.


Đây là lúc bạn sử dụng tư duy khôn ngoan để đặt câu hỏi với cuộc sống. Bạn nhìn nhận các khía cạnh của sự việc, tìm cách thấu hiểu nó, đặt câu hỏi để tìm lời giải đáp cho chính mình, thay vì đặt câu hỏi chỉ để nói lên: “Thật ra người khác cũng chẳng bằng tôi đâu”. Hay nói cho rõ hơn, hoài nghi là để bản thân hiểu rõ hơn cuộc sống, chứ không phải hoài nghi là để hạ thấp các giá trị và tình cảm của những người xung quanh mình. Khi đó ta nói, bạn đã hoài nghi bằng tư duy của bản thân mình.

BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC

Bài viết khác