Tôi gặp chị lần đầu tiên tại quán cà phê gần nơi tôi làm việc trên đường Nguyễn Phi Khanh. Lần đầu tiên tôi đặt chân lên con đường này tôi đã thoảng thốt và ngỡ ngàng bởi không biết liệu tôi có đang ở Sài Gòn không, con đường quá đỗi bình yên.
Không ồn ào, không còi xe, không những tiếng rao hàng ban mai. Ở đây chỉ có những quán cà phê nhỏ san sát nhau, những cụ già ngồi nhâm nhi cà phê và buôn chuyện đời. Ở đây cũng không có những chiếc bàn gỗ xinh xinh hay những chiếc ghế gỗ tinh xảo, thay vào đó là những bộ bàn ghế đơn xơ và mộc mạc; một con đường tuy nhỏ nhưng có đến 3 quán cà phê có màu sắc khác nhau.
Gọi là bàn ghế cho oai thế thôi, đó chỉ là những chiếc ghế nhựa cỡ khoảng 50 cm được chủ quán tô điểm lại; chúng được đặt sát đến mức bạn có thể nghe được cặn cẽ câu chuyện của người ngồi bên cạnh. Những quán cà phê ở đây tuy đơn xơ nhưng được bố trí khá bắt mắt, mỗi chiếc bàn hay chiếc ghế đều được chủ quán tô lại sao cho phù hợp với màu của quán và đôi khi được vẽ thêm những bông hoa hay những cánh hoa tuyết nhỏ sen kẽ.
Tôi nhớ có một buổi sáng đầu mùa mưa phùn, tôi đang ngao ngán phủi những lốm đốm mưa trên áo và tóc thì nghe được câu chuyện của hai cụ già về tình yêu thời trẻ. Cụ móm mém kể lại chuyện tình năm hai mươi cũng trong buổi sáng mưa phùn như vậy, rồi cụ cười, cụ nhìn về phía những con đường với ánh mắt ánh lên những niềm tin của ngày mới. Đó là buổi sáng lần đầu tiên tôi gặp chị, trong quán màu Xanh rêu cũ kĩ.
Nhìn thoáng qua, chị ấn tượng với mái tóc ngắn nhuộm màu vàng và làn da ngăm ngăm cùng đôi giày bốt cao hơn mắt cá. Tay chị cầm điếu thuốc và nhìn thẳng ra đường. Thi thoảng chị lại ho lên từng cơn, tay chị lúng túng để tìm cách đưa điếu thuốc lên miệng sao cho điệu nghệ nhất. Và môi chị hấp háy sao nhả hơi thuốc thành một làn khói mỏng. Thế nhưng chị vẫn trông ngầu lắm, lâu lâu lại ngửa mặt và nhả khói lên, tay kia với li cà phê đen trên cái ghế nhựa màu rêu rồi hấp vài ngụm.
Tôi nhìn chị, cười. Lần đó chị đang mang bầu 3 tháng.
.....
Sau lần đó, tôi gặp chị thêm vài lần nữa và hình ảnh chị cứ lặp đi lặp lại với những điếu thuốc. Có lẽ bản thân chị đang tập cho mình quen với một thứ mà mình không muốn, tôi nghĩ vậy rồi cười xòa. Phụ nữ bây giờ cũng phức tạp quá, những mối quan hệ và công việc cứ dồn dập lên đôi vai gầy ấy của người phụ nữ làm cho họ phải mạnh mẽ hơn.
Lần thứ 9, tôi ngồi lại gần và giựt điếu thuốc trên tay chị rồi nghiền nát nó dưới gót giày thành những mảnh nhỏ. "Bùng" gió cuốn bay những mẫu nhỏ của điếu thuốc về phía những cây sa kê nơi cuối đường và rồi nó bị kéo đi bởi những chiếc xe máy chạy vù qua.
Chị nhìn tôi im lặng rồi với tay lấy li cà phê đen trên bàn, nhưng tôi đã cẩn thận đặt vào bàn tay chị một ly sữa tươi mới.
Chị nhìn tôi ngỡ ngàng nhưng lại thoáng quay đi vì không dám nhìn vào đôi mắt tôi, chị khẽ nghiêng mình đổ hai ly nước thành một. Vài người xung quanh quay lại nhìn hành động của tôi và chị, vài người lắc đầu cười và lại cắm cúi nhìn vào tờ báo trước mặt. Mưa vẫn rơi li ti trên những mái tôn trước sân nhà đối điện, từng giọt, nhẹ rơi và rồi chảy xuống mặt đường.
- Chia đều chị quay qua nhìn tôi cười rồi nói. "Em làm gần đây?"
Chị nhướn mày về phía tôi hỏi.
Thay vì trả lời, tôi gật đầu cái rụp rồi cầm li cà phê uống tiếp.
Tay chị lướt nhẹ trên chiếc điện thoại rồi quay qua nhìn tôi cười nhẹ:
- Sao dạo này nhiều người li hôn quá em nhỉ. Lên facebook hết tin cô người yêu này chia tay chồng đến cô khác đi cướp chồng.
Chị với tay uống ngụm cà phê rồi nói tiếp:
- Các cụ xưa mà thấy cảnh này chắc đau lòng lắm, còn gì là gái chính chuyên 1 chồng nữa. Không biết em sao chứ chị không có thiện cảm với con gái đã li dị chồng lắm, ích kỉ, không biết nhường nhịn.
Tôi ngưng lại, nhíu mày nhìn chị. Có vẻ chị hơi khác với vẻ bề ngoài cá tính mà tôi thấy, có vẻ chị thuộc tuýp phụ nữ phức tạp và đối ngược. Tôi nhìn thấy ở chị, một con người tự do, phóng khoáng nhưng qua những lời chị vừa nói làm tôi cảm thấy khá ngạc nhiên.
Tôi cười nhẹ. Gió vẫn lùa qua những tán lá và nắng bắt đầu lên sau những dãy nhà cao tầng. Quán vẫn còn khá nhiều người ngồi nhâm nhi cà phê và bàn tán chuyện thời sự; ngoài trời mưa phùn đã ngừng rơi chỉ còn đâu đó trên mặt đường những đốm nước nhỏ li ti còn đọng lại. Thi khoảng những chiếc xe máy lao vút qua bắn những giọt nước tung tóe lên không trung và rồi rơi xuống đất, nhẹ tênh.
Chị uống cạn đáy li, thở dài một cái rồi đứng dậy; với lấy cái túi trên xe, rồi tô vài đường son lên đôi môi đầy những nếp khô cứng.
- Chị bận, hẹn em sau.
Tôi gật đầu.
Chị lên xe, đá chống rồi rồ ga đi về hướng Võ Thị Sáu. Tôi nghe trong gió tiếng chị gọi với lại "Chị tên Thu" rồi bóng chị mờ dần trong dòng người đang khổ sở chen chúc nhau nơi đầu đường. Vài người la ó, tiếng còi xe máy, tiếng ô tô vang lên trong một buổi sáng mưa phùn bởi ai cũng mong muốn được đến công ty sớm và không phải trải qua những giây phút tồi tệ của cuộc đời chỉ vì kẹt xe.
.....
Sau lần đó tôi ít khi gặp chị mặc dù ngày nào cũng vài bận đi ngang qua đường Nguyễn Phi Khanh và những quán cà phê đầy màu sắc sáng nào cũng rôm rả những câu chuyện già.
Bẵng một thời gian sau, tôi quên đi sự xuất hiện của chị trong cuộc đời. Chuỗi hành trình của tuổi trẻ tôi lại tiếp tục với việc đi làm, về nhà và ngủ của tôi lại tiếp diễn như mọi khi. Không còn những chuỗi ngày trông mong chị nơi quán Xanh rêu xanh nữa.
Rồi buổi chiều sau kì nghỉ tết, tôi gặp lại chị một lần nữa, lần thứ 10; nhưng không phải tại quán cà phê cũ mà tại một bệnh viện quận.
Sau giờ làm, tôi ghé vào bệnh viện để thăm cô đồng nghiệp cũ đang nằm viện và vô tình thấy chị đi vào từ phía cổng; phờ phạc, mặt mày bạch nhếch, chân tay đầy những vết thâm và nước mắt rơi lã chã. Tôi chạy lại, nắm lấy bàn tay chị.
- A! Em, sao trùng hợp vậy? Em đi khám bệnh hả. Chị vội rút tay lại, cúi mặt xuống đất nhìn chân chân vào những lớp xi măng nham nhở dưới nền nhà.
- Chị sao vậy? Ai đánh chị? Nói em đi?
Chị quay mặt hướng khác, nước mắt chảy dài trên đôi gò má đầy những vết thâm đen và sẹo. Chị thẩn thờ đi về phía hàng ghế bệnh viện, dáng chị chảy dài trên nền nhà thành một cái bóng siêu vẹo.
- Chồng chị đó, hắn bỏ nhà theo gái bị chị phát hiện liền đánh chị.
Chị thút thít, tay cầm bịch thuốc, tay quệt những giọt nước mắt.
Tôi lặng yên ngồi cạnh chị, mọi người vẫn tất tả đi qua lại, chạy đôn với những giấy tờ bệnh viện. Mùi mồ hôi, mùi rác, mùi bệnh viện hòa quyện nhau, trộn với nhau và không gian giữa tôi và chị như dừng lại. Mái tóc chị đã dài ngang vai, hôm nay chị nhìn dịu hiền hơn với váy liền hoa và đôi giày bệt đế. Trên mặt, tay xuất hiện những vết thâm và bầm tím; dường như chị biết tôi nhìn liền thẹn thùng lấy vạt váy cố che đi những vết thâm rồi thở dài:
- Chị cưới anh ta năm 25 tuổi, bác sĩ bảo cưới.
Chị lôi trong túi ra một điếu thuốc rồi bật lửa và phì phèo hút. Những ngón tay chị dường như đã điêu luyện hơn và chị cũng không còn sặc vì khói thuốc nữa. Chị phả ra một luồng hơi dài rồi quay qua cười với tôi, những khói thuốc phả thẳng vào mặt tôi một cách trần trụi.
- Một mình chị lo cho gia đình hai bên, rồi con cái. Mọi chi tiêu đều dồn vô đôi vai chị và shop quần áo nhỏ mà chị tích góp bấy nhiêu năm. Khi yêu mọi thứ đẹp lắm em ạ, khi ấy hắn là hoàng tử của lòng chị.
Chị thả một hơi dài, khói thuốc đi theo từng làn mỏng rồi hòa mình vào không khí của bệnh viện, mùi thuốc, mùi vắc xin xen lẫn nhau. Vài người bên cạnh quay qua nhìn chị và nhau mày, vài người lắc đầu rồi chuyển chỗ họ khó chịu bởi trong mắt họ một cô gái ngồi nhâm nhi điếu thuốc thật "chẳng còn gì mà nói"! Chị vẫn thả mình vào khói thuốc mặc kệ những ánh nhìn và những lời bàn tán.
- Khi yêu, gã săn đón chị, nói yêu chị rồi chiều chuộng chỉ đủ điều. Có hôm, gã còn đứng dưới mưa đợi chị mặc cho chị giận hờn vu vơ. Mà người ta nói không sai em, đàn ông cưới đàn bà về là để trả thù; trả thù cái khoảng thời gian quen nhau mà đàn ông phải khốn khổ lắm để lấy được trái tim nàng để lên giường và làm tình với nàng. Sau khi cưới, mọi thứ sụp đổ nhanh chóng; màu hồng giờ chuyển sang đen. Chuyện vợ chồng, con cái, chuyện họ hàng khiến chị quay cuồng hơn rồi quên mất bản thân mình; chị hy sinh tất cả vì hắn vậy mà giờ hắn bỏ chị theo một con bé mới 20.
Chị dụi điếu thuốc dưới lòng bàn chân, tay ném những mẫu thuốc xót lại vào thùng rác bên cạnh rồi đứng dậy.
- Chị về nghen, tới giờ đón mấy đứa nhỏ, cơm nước rồi còn ra shop đồ nữa. Hôm nào đi cà phê với chị nữa nghen. Lâu rồi chưa gặp em, muốn nói với em nhiều điều lắm. Em là đứa đầu tiên dám giựt thuốc của chị mà không bị chị la đấy nhóc!
- Chị.
Tôi chạy lại giựt lấy đôi bàn tay chị, chị nhíu mày vì đau rồi quay qua nhìn tôi.
- Hay...
- Hay chị bỏ chồng đi chị!
Bịch thuốc trên tay chị rơi xuống, chị nhìn tôi trân trân. Ánh mắt chị nhìn vào cánh tay tôi, có lẽ chị khó chịu bởi tôi làm chị đau, cũng có thể chị không muốn nghe những lời tôi nói vì tôi còn quá trẻ để hiểu chuyện. Tôi cúi gầm mặt xuống đất, lẳng lặng bỏ tay ra khỏi tà áo của chị và nhìn bóng chị liêu xiêu trên nền nhà rồi hòa vào dòng người đông đúc của bệnh viện.
Hôm sau tôi lại gặp chị ở quán cà phê cũ, quán Xanh lá. Chị gọi một ly cà phê đen pha sữa tươi, chị bảo "uống lạ".
Tôi còn chưa kịp cho hết ngụm cà phê xuống dưới cuống họng thì đã phun trào ra, ho sặc sụa. Tôi quay qua nhìn chị.
Chị cười, vỗ nhẹ vào vai tôi rồi lôi trong túi ra chiếc khăn giấy mỏng để tôi lau đi những vệt cà phê vương vãi trên mặt.
- Em biết không, sai lầm lớn nhất của phụ nữ là không biết buông bỏ. Khi có chồng cũng vậy, nghĩ lấy một người thì cả đời này sẽ ở cùng người đó đến cuối đời và trong mắt mình hắn luôn là tất cả.
Chị thở dài, tay nhặt những lá sa kê khô rồi thổi nhẹ chúng, chị lắc đầu ngao ngán.
- Cuộc sống của mỗi người được tạo ra từ nhiều sự lựa chọn, lấy chồng cũng nằm trong những sự lựa chọn đó. Chị nghiệm ra nếu cuộc hôn nhân đó không hạnh phúc, chị có thể đứng dậy trang điểm thiệt đẹp và mỉm cười bước ra khỏi nó. Sao phải sống vì một người đàn ông không dành cho mình, phải không em?
Chị quay lại nhìn tôi cười, khóe mắt chị xuất hiện vài vệt đỏ và những giọt nước mắt chực chờ rơi xuống.
- Gã có nói gì không?
- Gã nào?
- Chồng chị.
- Không! Gã điếng người nhìn tờ giấy li hôn rồi im lặng. Không níu kéo, không năn nỉ. Có lẽ hắn không nghĩ rằng sẽ có ngày chị đòi li dị với hắn.
- Vậy con chị?
- Chị nuôi, trước giờ chị vẫn như chưa chồng mà. Em biết tại sao khi em nói li dị chị lại nhìn em không? Tại vì trước giờ chị chưa từng nghĩ sẽ buông bỏ mối quan hệ hôn nhân này. Chị người gốc Huế, chị tự cho mình chung tình, thủy chung và yêu thương trồng. Chị cuồng dại vậy đó em, phải như chị không gặp em chắc giờ này chị còn bầm dập với hắn nhiều lắm.
Chị bật cười rồi lôi trong túi ra một gói thuốc, đặt lên bàn rồi từ từ hút.
- Chị hút lần này nữa thôi. Mai rồi sẽ khác, chị sẽ sống vì chị, vì con chị. Mẹ đơn thân cũng oách lắm chứ, đúng không em?
Tôi nhìn chị, ánh mắt chị nhìn về phía những căn nhà đối diện nơi phảng phất những tia nắng hắt từ phía sau nhà. Đâu đó những lá hoa sa kê rơi xuống lòng đường, những chiếc xe đi ngang qua cán tan những chiếc lá xào xạc.
Theo TruyenNgan