Câu chuyện cuộc sống

Câu chuyện tình người: Cậu bé Huỳnh Khắc Vũ

Câu chuyện tình người: Cậu bé Huỳnh Khắc Vũ

Câu chuyện 18 năm trước của cậu bé Vũ


Cậu bé có cái tên rất đẹp là Huỳnh Khắc Vũ nhưng ai cũng gọi là “thằng Thúng”, bởi cậu có cái bụng to dị kỳ, như cái thúng úp ngược vào thân mình. Thương con bệnh tật nhưng chị Linh đành ôm lòng cam chịu, bởi chị làm quần quật quanh năm mà vẫn không đủ cơm ăn áo mặc cho mấy mẹ con, lấy tiền đâu ra mà đi bệnh viện làm phẫu thuật cho nó? Trên Vũ còn có 2 anh trai- đều còn tuổi ăn tuổi học nhưng đều phải bỏ trường lớp giữa chừng vì nhà không lo nổi.

Thằng Thúng cứ thế mà lớn lên, với cái bụng thúng dị thường. 8 tuổi nó vẫn chưa ý thức được hết nỗi bất hạnh của mình, lâu lâu lại úp bụng xuống đất làm trụ, đẩy tay, xoay mình như cái bông vụ cho bạn bè coi chơi. Chỉ thỉnh thoảng hơi buồn vì cái bụng vướng víu, kềnh càng khiến nó không thể chạy, nhảy, đứng, ngồi một cách bình thường như các bạn cùng trang lứa.

Rồi có một phụ nữ tốt bụng, tình cờ phát hiện thằng Thúng, chị liền tìm cách giúp đỡ đưa nó đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ca bệnh lạ lùng hiếm gặp và gia cảnh nghèo xác nghèo xơ của bệnh nhân nhỏ tuổi này lập tức gây chú ý cho các y, bác sĩ trong bệnh viện.

 


Gia cảnh nghèo nàn khó khăn, cậu bé Huỳnh Khắc Vũ không có điều kiện được chữa trị phẩu thuật (Ảnh nguồn: GiaoXuGiaDinh)


Qua siêu âm, các bác sĩ đã xác định là Vũ bị u quái trong bụng. Lúc ấy, Tây Ninh chưa có đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, nên bệnh viện đã phải tổ chức đưa bệnh nhân Huỳnh Khắc Vũ đi TP. Hồ Chí Minh để làm thêm các xét nghiệm, chụp CT… và hội chẩn. Bác sĩ Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hoà Hảo (nay là Medic) đã rất sốt sắng, nhiệt tình giúp đỡ và miễn tất cả các khoản chi phí cho ca bệnh đặc biệt này.

Kết quả hội chẩn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: đây là chứng bệnh thai trong thai, nghĩa là có một cơ thể song sinh với người bệnh đã… “đi nhầm chỗ” từ lúc mới hình thành. Sau khi tính toán, cân nhắc, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh quyết định đưa bệnh nhân bụng thúng trở về tỉnh nhà để tiến hành phẫu thuật.

Ca mổ tiến hành vào ngày 3.8.1995. Bác sĩ Lê Công Mạnh- người cầm dao mổ chính cùng với ê kíp mổ đã đặt hết sự tập trung và cả tình yêu thương của mình vào đấy. Và ca phẫu thuật được lãnh đạo tỉnh và nhiều người ở khắp nơi cùng quan tâm theo dõi ấy đã thành công như mong đợi. Thằng Thúng đã trở về đúng cái tên Huỳnh Khắc Vũ, không còn bị cái thúng to đè nặng lên người như trước nữa.

Điều quan trọng là mọi chi phí điều trị cả tháng trời cho Vũ đều được bệnh viện “bao sô”. Trước, trong và sau khi phẫu thuật, cậu bé gần như trở thành đứa con chung của các khoa, phòng trong bệnh viện, được các bác, các chú, các cô, dì, chị… ở đây thay nhau chăm chút từng viên thuốc, từng muỗng cháo cho đến tấm áo, manh quần…

Ngày Vũ đứng dậy, bước những bước đầu tiên như một đứa trẻ bình thường, không còn bị “cái thúng” to trì kéo xuống nữa, các cô, các chị đã rơi nước mắt vì vui sướng. Ngày Vũ ra viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho xe đưa về tận nhà. Hôm đó thật sự là một ngày hội- không chỉ với riêng gia đình Vũ mà còn với cả những người thầy thuốc nhân hậu ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Nhưng mọi chuyện đến đây không phải đã kết thúc…

 

'
Cảm động trước lời tâm sự của chàng trai trẻ Huỳnh Khắc Vũ biết ơn tước sự giúp đỡ cưu mang của cộng đồng (Ảnh nguồn: NgheThuatSong)


Trước mặt tôi là cậu thanh niên mặt mũi khá sáng sủa, tuy hơi nhỏ con và gầy (có thể là hậu quả của những năm tháng đầu đời bị suy dinh dưỡng vì bệnh tật và nghèo khó) nhưng có vẻ nhanh nhẹn, thông minh và không còn dấu vết gì về… cái thúng năm xửa năm xưa. Bây giờ thì Vũ đã 26 tuổi rồi, đủ hiểu biết để nói lên lời gan ruột của mình: “Không có bố là con chết từ lâu rồi, cô à”. Bố- như cách gọi chất chứa bao tình cảm kính trọng, yêu thương, trìu mến ấy không phải để chỉ người cha ruột đã dứt áo ra đi khi Vũ chỉ mới vài tháng tuổi. Mà đó chính là người cha đỡ đầu- tuy không sinh ra Vũ nhưng đã lo lắng, cưu mang em chẳng khác gì lo cho con đẻ của mình…

Tôi quen bác sĩ Lê Hồng Phước- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã lâu và từng biết đó là một bác sĩ giỏi, rất có trách nhiệm trong nghề và rất tận tâm với bệnh nhân nhưng chuyện anh nuôi dưỡng, bảo bọc, lo cho cậu bé nghèo Huỳnh Khắc Vũ ăn học suốt 7 năm qua thì mãi bây giờ mới biết…

Sau ca mổ thành công năm 1995, Vũ được trả về gia đình, cuộc sống của mấy mẹ con em cũng dễ chịu hơn trước rất nhiều. Qua thông tin trên báo, bạn đọc khắp nơi trong nước đã gửi tiền về giúp đỡ mẹ con Vũ, tổng cộng gần 50 triệu đồng- một số tiền không nhỏ vào thời điểm ấy. Nhờ đó, mẹ Vũ đã làm lại được căn nhà mới tuy không sang trọng nhưng cũng kín đáo, tươm tất hơn căn chòi xiêu vẹo cũ, phần còn lại được gửi vào ngân hàng.

Vũ vào lớp một, hai anh của Vũ cũng được đi học trở lại. Yên tâm rằng từ nay cuộc sống của Vũ sẽ không còn gì phải lo lắng, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh lại quay về với những công việc chuyên môn luôn bận rộn hằng ngày của mình.

Bẵng đi một thời gian sau, có lần nhân đi công việc, bác sĩ Phước tiện đường ghé thăm cậu bé Thúng năm xưa, thì mới té ngửa ra gia đình em vẫn chưa thoát khỏi “kiếp nạn”. Số tiền bạn đọc giúp đỡ ngày nào đã bay biến hết sau những tai hoạ liên tiếp xảy ra: anh trai kế của Vũ chết trẻ vì bệnh suy tim, anh lớn thì bị tai nạn giao thông phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy cả tháng trời, tuy thoát chết nhưng cũng bị di chứng lâu dài. Vũ phải bỏ học dở dang năm lớp 9 để đi giữ vườn cho người ta. Còn chị Linh- mẹ Vũ cũng vẫn tiếp tục đi làm thuê làm mướn.

Hay chuyện, sau khi bàn tính với chị Linh, bác sĩ Phước đem Vũ về nhà nuôi, cho em đi học tiếp. Anh lại đề nghị chị Linh đến giúp việc trong nhà với mức lương cao hơn thu nhập làm thuê trước đó của chị. Cuộc sống của mẹ con chị Linh từ ấy mới hết vất vả.

Vũ ăn, ở tại nhà cha nuôi, được cho đi học bổ túc. Đến giữa năm lớp 10, thì cái khối u trong bụng lại “tái xuất”. Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại tiến hành cuộc phẫu thuật lần 2 cho Vũ, đó là vào năm 2007. Ca mổ thành công, trả lại một Huỳnh Khắc Vũ khoẻ mạnh, để cậu bé tiếp tục học đến hết lớp 12, sau đó đi học trung học y tế. Rồi Vũ được nhận vào làm nhân viên ngay tại bệnh viện- nơi từng cưu mang, chữa bệnh cho mình.

Vũ biết mình mang ơn rất nhiều người, nhưng đặc biệt nhất là người đang nuôi dưỡng mình. “Không có bố Phước, chắc con chết lâu rồi, đâu được như ngày hôm nay”- Vũ nói, ánh mắt đầy vẻ hàm ơn. Còn người bố nuôi của em lại thường kể về những bác Mạnh, bác Hậu, cô Đào, cô Hoà, cô Thanh vv…vv… những đồng nghiệp cũ ở bệnh viện đã từng chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho Vũ, hoặc như các bác sĩ Phan Thanh Hải, Võ Văn Thành… ở TP. Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên hỏi thăm tin tức và lâu lâu lại gửi tiền cho Vũ. Anh nói: “Nhiều người quan tâm giúp đỡ Vũ lắm, không phải mình tôi đâu”. Điều khiến anh vui nhất là cậu con nuôi của mình tỏ ra rất ngoan, chịu khó, làm việc chăm chỉ.

Có thể nói Huỳnh Khắc Vũ của ngày hôm nay là “thành quả yêu thương” của những tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Vậy là thằng Thúng ngày nào nay đã có vợ rồi. Trong lễ cưới tại nhà Vũ ở Suối Muồn, mẹ Vũ- người đầy đặn, hồng hào, không còn lưu lại chút gì dáng nét của người phụ nữ nghèo khó, còi cọc năm xưa, ngồi nhấp chung rượu con dâu dâng mời, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Những người thầy thuốc từng quan tâm, chăm lo cho thằng Thúng 18 năm về trước hầu như đều có mặt đông đủ tại đây cũng không dứt nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi nhìn tất cả và chợt nghĩ: y đức nào phải chuyện đâu xa…

 

Nguồn: NgheThuatSong

BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC

Bài viết khác