Câu chuyện cuộc sống

Tâm Hồn Cao Thượng của Cậu Bé Bán Diêm Bần Hàn

Tâm Hồn Cao Thượng của Cậu Bé Bán Diêm Bần Hàn

Luân Đôn, thành phố sương mù mang vẻ đẹp cổ kính lãng mạn, luôn luôn là tình yêu và niềm tự hào của lòng tôi. Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra cách đây một vài năm đã mang đến cho tôi cảm nhận hoàn toàn mới mẻ về thành phố của mình.

Nhà tôi nằm trên một con phố ở trung tâm thành phố Luân Đôn và tôi làm công việc dạy học đã nhiều năm. Không chỉ có những cửa hàng sang trọng và xa hoa cùng dòng người tấp nập, Luân Đôn của tôi còn có những góc tối ít ai biết đến và những con người bình dị vẫn đang âm thầm thắp sáng lên những góc tối trầm khuất ấy.

Đó là một buổi sáng mùa hạ, tôi bước chân ra ngoài trong tâm trạng sảng khoái vì một đêm ngon giấc. Tôi say sưa tận hưởng không khí buổi sáng với mùi hương dìu dịu của các loài hoa hồng, hoa cúc, hoa oải hương và ngắm nhìn hàng thủy tùng duyên dáng bên đường.

Bất chợt tôi bắt gặp ánh mắt của một cậu bé chừng 13 tuổi đang đứng ở khu vực trước cửa nhà tôi. Cậu bé mặc một chiếc áo cũ sờn với nhiều mảng vá, khuôn mặt gầy gò, xanh xao và đôi chân nhem nhuốc bụi đường. 13 tuổi, con gái tôi giờ ấy đã có mặt ở trường học, còn cậu bé lại đang đứng trước mặt tôi, chìa ra những bao diêm và khẩn khoản mời tôi mua giúp một bao.

Nhìn ánh mắt tha thiết và thái độ lịch sự của cậu bé khi đưa những bao diêm cho tôi bằng cả hai tay, tôi mở ví tiền tỏ ý sẽ mua. Tuy nhiên, trong ví của tôi toàn là những đồng tiền vàng, tôi chép miệng nói với cậu bé:

 

“Cậu bé, ta rất tiếc. Ta không có xu lẻ nào”.


“Thưa ông, không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng. Cháu chỉ chạy loáng một cái đến hiệu buôn để đổi, rồi quay về hoàn lại cho ông tiền thừa”, cậu bé nhanh nhảu đáp.

Tôi nhìn cậu bé, tỏ vẻ lưỡng lự.

“Cháu nói thật chứ”?

“Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là đứa trẻ dối trá, cũng chưa bao giờ lấy của người khác thứ gì”.

Nét mặt cương trực, giọng nói tự tin cùng ánh mắt hồn nhiên của cậu bé làm tôi tin những lời ấy ngay lập tức và giao cho cậu bé một đồng tiền vàng.

Cầm bao diêm, tôi ngồi ở bậc cửa nhà chờ đợi. Năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua vẫn không thấy bóng dáng của cậu bé. Sau nửa giờ chờ đợi vô ích, tôi lững thững tiếp tục cuộc dạo chơi của mình và tự nhủ: “Cần rút kinh nghiệm, không nên tin vào bọn trẻ này!”.

Vài giờ sau tôi trở về nhà và ngạc nhiên khi thấy một cậu bé khác đang đứng trước cửa đợi tôi. Cậu bé này rất giống cậu bé ban sáng, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn một chút và gương mặt thoáng một nỗi buồn tuyệt vọng.

 


Một cậu bé khác đợi tôi để trả lại tiền thừa. Ảnh dẫn theo pinterest.com


“Thưa ông, có phải hồi sáng ông vừa đưa cho Robe một đồng tiền vàng không ạ?”

Lúc đó tôi mới biết cậu bé ấy tên là Robe. Tôi khẽ gật đầu.

Cậu bé nói tiếp:

“Thưa ông, cháu là Saclay. Robe nhờ cháu mang số tiền còn lại đến cho ông. Robe là anh trai của cháu, chúng cháu mồ côi từ nhỏ. Anh cháu không thể mang tiền đến trả ông được vì anh ấy mới bị xe đâm. Anh Robe đang nằm ở nhà và khó lòng qua khỏi”.

Dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đáng thương của Saclay và những tiếng nấc của cậu bé khiến trái tim tôi thắt lại. Tôi hỏi dồn:

“Vậy bây giờ Robe ở đâu? Cháu hãy đưa ta tới đó”.

Saclay lịch sự đưa tay tỏ ý mời tôi đi trước. Chúng tôi băng qua 2 dãy phố và cuối cùng dừng lại trước căn hầm của một ngôi nhà đổ nát bỏ hoang. Saclay nói: “Thưa ông, đây là nhà của chúng cháu ạ”.

Tôi cẩn trọng bước qua những viên gạch vỡ ngổn ngang trên mặt đất. Vừa đặt chân vào căn hầm, một mùi ẩm mốc ngai ngái khiến tôi vô cùng khó chịu. Trong một góc tối, tôi nhận ra Robe đang nằm dài bất động giữa những miếng giẻ rách, cạnh chiếc bếp lò cũ kĩ đã tắt ngấm từ lâu. Khuôn mặt cậu bé trắng bệch và một dòng máu đỏ chảy ra từ trán Robe xuống sàn nhà.

Nghe thấy tiếng động, Robe mở mắt nhìn chúng tôi, giọng thều thào, yếu ớt:

“Thưa ông, ông có thể lại gần cháu được không”?

Tôi lại gần Robe, quỳ xuống và nắm bàn tay cậu bé, bàn tay gầy gò, khẳng khiu đang dần dần lạnh ngắt.

“Saclay, em đưa tiền trả ông rồi chứ”?

Saclay gật đầu, đôi mắt cậu bé sưng mọng vì khóc.

“Ông xem, cháu không phải là đứa trẻ dối trá mà”.

Tôi cúi sát người Robe và hôn lên chỗ vết thương trên trán của em. Cậu bé trào nước mắt, và tôi biết em khóc không phải vì đau đớn hay sợ hãi. Có lẽ đó là giọt nước mắt hạnh phúc của cậu bé đáng thương nhưng lương thiện khi cuối cùng đã có thể thực hiện được lời hứa đem số tiền trả lại cho tôi.

Trong khoảnh khắc ấy, một người từng trải qua bao thăng trầm, một người luôn cho rằng mọi cảm xúc trong mình đều chai sạn như tôi đã nghẹn ngào xúc động. Tôi nắm chặt bàn tay của Robe và nói với cậu bé rằng: “Robe, cháu hãy yên tâm. Dù trong bất cứ tình huống nào, ta cũng sẽ giúp cháu nuôi nấng Saclay”.

Robe mỉm cười và đôi mắt cậu bé từ từ khép lại. Sự ra đi của Robe đã tạo nên một chấn động lớn trong lòng tôi, phá bỏ mọi định nghĩa của tôi trong suốt cuộc đời của mình về giàu nghèo, sang hèn và giá trị đích thực của con người trong kiếp nhân sinh.

Hóa ra, điều thực sự khiến người ta tỏa sáng không nằm ở bằng cấp, địa vị hay khối tài sản họ sở hữu mà là vẻ đẹp của lương tâm trong sáng, là nhân cách khi trong gia cảnh bần hàn vẫn giữ được sự cao quý của tâm hồn.

 


Điều khiến người ta tỏa sáng không nằm ở địa vị bằng cấp, mà là ở lương tâm. Ảnh dẫn theo DailyMail


***

Câu chuyện của cậu bé Robe và tinh thần giữ chữ tín, trong hoàn cảnh nghèo đói và cận kề cái chết vẫn quyết tâm bảo vệ danh dự và nhân cách của mình giống như một hồi chuông đối với con người trong xã hội hiện đại. Mỗi người có cơ hội nhìn lại và tự hỏi mình rằng trong những thứ ta đã lao tâm khổ tứ để có được, có bao nhiêu thứ bản thân mình thực sự cần?

Người ta nói: “Cao ốc ngàn gian thì đêm ngủ cũng không quá hai mét. Ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Vậy cớ sao chúng ta phải đánh đổi tất cả những điều tốt đẹp vốn mang theo mình để đổi lấy những điều phù du trên cuộc đời?

Trên thế gian, mỗi người đều có quyền theo đuổi chân lý và đức tin của mình, bất luận người đó giàu hay nghèo. Theo quan niệm của bản thân, người ta lại phân định con người thành các giai cấp khác nhau. Tuy nhiên, một tâm hồn cao quý sẽ không lệ thuộc vào bạn giàu hay nghèo. Người nghèo nhưng có nhân cách thanh tao, không bị danh lợi làm cho khởi tâm đố kỵ, oán hờn, sống lương thiện và có tâm cầu điều ngay chính thì chính như hoa sen mọc lên giữa bùn nhơ.

Chúng ta không thể chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài mà phải nhìn thấu tâm hồn mới có thể đối xử với tất cả mọi người một cách vô tư và rộng lượng. Bởi một tâm hồn cao thượng và đạo đức cao quý mới là tài sản lớn nhất của đời người.

 

Nguồn: DaiKyNguyen

BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC

Bài viết khác