Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates là một nhà thông thái được đánh giá cao. Ông nghiên cứu nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên chung quanh chúng ta. Ông đã để lại nhiều tác phẩm triết học và triết lý sống đáng suy ngẫm. Và câu chuyện dưới đây là một trong số đó.
Một ngày nọ, một người quen của nhà triết gia vĩ đại này đến gặp và hồ hởi nói với ông:
“Socrates, ông có biết tôi đến để nói về một trong những học trò của ông?”.
“Đợi đã”, Socrates trả lời.
“Trước khi kể cho tôi, tôi muốn làm một trắc nghiệm nhanh với anh. Nó được gọi là trắc nghiệm về ba bước sàng lọc”.
“Trắc nghiệm về ba bước sàng lọc?”.
Bức tượng Hy Lạp của nhà Thông Thái Socrates, một nhà triết gia thời Hy Lạp Cổ
“Đúng vậy“, Socrates tiếp tục.
“Trước khi nói với tôi về học trò của tôi, chúng ta hãy ngồi một chút để kiểm tra những gì anh sẽ nói. Bước sàng lọc đầu tiên là sự thật. Anh có chắc chắn những gì anh muốn nói là sự thật?”
“Không“, người đó trả lời.
“Được rồi”, Socrates nói. “Anh không biết chính xác điều muốn nói là đúng hay không. Bây giờ chúng ta chuyển sang bước sàng lọc thứ hai, đó là điều tốt. Có phải những gì anh muốn cho tôi biết về học trò của tôi, là một điều gì tốt?”
“Không, trái lại ...”
“Vậy thì“, Socrates hỏi, “Anh muốn nói với tôi điều gì xấu về học trò tôi, ngay cả khi anh không hoàn toàn chắc chắn điều này là đúng?”.
Người quen đó nhún vai có một chút xấu hổ.
Socrates tiếp tục: “Anh vẫn có thể nói cho tôi biết điều đó vì còn bước sàng lọc thứ ba, đó là hữu ích. Điều anh nói sẽ giúp ích cho tôi khi biết điều học trò của tôi đã làm?”
“Không, không thực sự“.
“Vậy thì“, Socrates kết luận: “Nếu điều anh muốn nói với tôi không phải là sự thật, cũng không tốt, thậm chí cũng không hữu ích, thế thì tại sao lại nói cho tôi biết?”.
Người quen của Socrates chỉ biết im lặng…
Câu chuyện nhỏ nhưng mang lại cho chúng ta bài học to lớn về việc suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi nói. Nếu một thông tin chúng ta đem đến cho người khác không nhằm mục đích tốt mà chỉ để thỏa mãn những cảm xúc cá nhân, thì đó là việc không nên làm. Mỗi người cần suy xét cẩn thận và có trách nhiệm với lời nói của mình để không làm tổn thương hay gây hại cho người khác.
Socrates là vị triết gia lỗi lạc nhưng luôn mang trang phục xoàng xĩnh do tư tưởng thích đơn giản của ông. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ cẩu thả trong vấn đề này cũng như trong cuộc sống. Ông luôn thể hiện là một người vui vẻ và dễ chịu khi uống rượu với bạn bè, nhưng không bao giờ say như họ.
Tính cách của ông được thể hiện rõ bởi sự kiên nhẫn, sự mộc mạc và một khả năng tự kiểm soát trước tất cả những khó khăn. Tức giận, bạo lực và thù địch là “kẻ xa lạ” đối với ông. Nếu ai đó đánh ông, ông chỉ im lặng. Điều này khiến những người xung quanh vô cùng ngạc nhiên. Và Socrates giải thích: “Nếu một con lừa đã cho ra một cú đá, có cần phải thưa kiện nó không?“.
Socrates cũng là người trào phúng, khi ông nhìn thấy trong thành phố Athena các loại hàng hóa được thương gia trưng bày để hấp dẫn thu hút người mua, ông chỉ nói: “Bao nhiêu món đồ tôi không cần lại tìm thấy ở đó“.
Triết lý của Socrates xoay quanh nội dung “hãy tự biết chính mình”. Ông là người có khả năng hùng biện và đặt trọng tâm vào tinh thần chứ không phải vật chất. Socrates là nhà tư tưởng đầu tiên coi đối tượng của thiền định là cơ thể con người, vì ông quan niệm rằng: “Con người bạn là linh hồn của bạn”.
Socrates đã cống hiến nhiều tác phẩm cho giới triết học và triết lý sống rất có giá trị
Những triết lý sống sâu sắc của ông đáng để chúng ta học hỏi và suy ngẫm…
Dưới đây là 9 điều mà Socrates đã nói:
1 – Trong vạn vật, cái gì xưa nhất?
– Thượng đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.
2 – Trong vạn vật, vật nào đẹp nhất?
– Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng đế.
3 – Trong vạn vật, vật nào lớn nhất?
– Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.
4 – Trong vạn vật, vật gì vững bền nhất?
– Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.
5 – Trong vạn vật, vật nào tốt nhất?
– Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.
6 – Trong vạn vật, vật gì di chuyển mau nhất?
– Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.
7 – Trong vạn vật, vật gì mạnh nhất?
– Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhất.
8 – Trong các việc, việc gì dễ làm nhất?
– Khuyên bảo.
9 – Trong các việc, việc nào khó nhất?
– Tự biết mình.
Ảnh và Nguồn: Epoch Times France