9 câu chuyện dưới đây là 9 bài học sâu sắc mà các bậc làm cha mẹ đều nên đọc, không chỉ để dạy con cái, mà đó cũng là những chân lý tuy đơn giản nhưng có thể khiến thay đổi cả một đời người.
1. Trách nhiệm
Một hôm cậu con trai 2 tuổi của tôi chẳng may va mạnh đầu vào một cái bàn, nó khóc lóc ầm ĩ một hồi rất lâu. Thấy vậy, tôi đi ra khỏi phòng mình, tới gần cái bàn và lớn tiếng quát: “Này cái bàn kia! Ai làm cho mày đau và khóc nhiều vậy hả?”
Con trai tôi ngừng khóc, mở tròn xoe đôi mắt ngước nhìn tôi với những giọt nước mắt lăn dài trên mi. Tôi tiếp tục vỗ về cái bàn và hỏi: “Ai đã gây ra chuyện này với mày thế?”. Con trai tôi nhìn tôi và nói: “Cha! Là con ạ!”. Tôi bảo: “Con hãy xin lỗi cái bàn đi!”
Nó liền khom người cúi xuống nói: “Bàn ơi, tao xin lỗi nhé!”
Từ đó cậu bé học được một bài học sâu sắc về tinh thần trách nhiệm. Khi một chuyện không như ý xảy ra, con trai tôi không chỉ đổ lỗi cho người khác, mà phải nghĩ tới cả phần trách nhiệm của bản thân mình.
2. Không trút giận lên người khác
Một hôm cậu con trai 3 tuổi của tôi bỗng dưng khóc lóc thảm thiết mà chẳng có lý do cụ thể nào. Tôi hỏi nó: “Con cảm thấy không thoải mái ở đâu à?” Nó trả lời: “Không ạ.”
“Vậy tại sao con lại cứ tiếp tục khóc lóc vậy hả?”
Con trai tôi im lặng không nói gì, mà vẫn tiếp tục nức nở…
Cho con có nơi giải tỏa hết căng thẳng, buồn bực sẽ giúp trẻ không có tính ưa trút giận lên người khác
“Được! Bố sẽ chẳng bận tâm nếu con khóc, nhưng bố sẽ tìm cho con một chỗ cho con thoải mái mà khóc, vì vậy con sẽ không quấy rầy người khác được nữa. Và sau đó nếu con cảm thấy mình đã khóc đủ rồi thì hãy nói với bố, con có thể ra ngoài.’’
Tôi cho thằng bé vào trong nhà tắm. Hai phút sau nó mở cửa ra và nói: “Con khóc đủ rồi ạ!”
Và tôi cho phép thằng bé ra ngoài…
Giờ đây con trai tôi đã 18 tuổi và nó không bao giờ để cảm xúc của mình ảnh hưởng đến người khác. Mỗi khi có chuyện bực bội nó cũng không vì thế mà trút giận lên mọi người.
3. Suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi hành động
Tôi và cậu con trai 5 tuổi đi bộ trên một cây cầu, phía dưới cầu là dòng nước chảy rất trong xanh. Con tôi thấy vậy hân hoan nói: “Dòng sông sạch đẹp quá, con muốn nhảy xuống đó để bơi bố ạ!”
Tôi chợt ngạc nhiên và nói: “Được đó, chúng ta cùng nhảy xuống nhé! Nhưng trước tiên chúng ta cần phải về nhà và thay quần áo.”
Sau khi trở về nhà và thay đồ, tôi nhắc nhở con trước khi xuống nước: “Con trai! Khi bơi con sẽ phải ngụp mặt xuống nước phải không?” Nó gật đầu và tôi nói: “Con sẽ phải tập rất nhiều để xem con có thể ngụp mặt xuống nước trong bao lâu nữa đấy!”
Rồi con trai tôi hăm hở bước xuống dòng sông và bắt đầu tập lặn ngụp. Chỉ sau 10 giây, nó nhoai mặt lên khỏi mặt nước và nói: “Con đang cố nín thở trong nước, nhưng nó thật sự chẳng thoải mái chút nào.” Tôi nói với nó: “Chính xác! Và nếu con nhảy xuống sông thì con còn cảm thấy khó chịu hơn như thế nhiều đấy.”
Con tôi liền trả lời: “Cha! Vậy mình sẽ không nhảy xuống sông nữa ạ!”
Tôi mỉm cười nhìn con: “Được thôi, chúng ta sẽ không làm nữa!”
Từ đó con trai tôi học được bài học về sự thận trọng và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định làm điều gì đó. Nếu chỉ nhìn vào vẻ ngoài hào nhoáng để đánh giá sự vật, chúng ta rất dễ mắc sai lầm.
4. Kiểm soát ham muốn bản thân
Khi con trai tôi 6 tuổi, một lần tan học chúng tôi đang đi bộ trên đường thì con tôi reo lên: “Bố ơi! KFC kìa!”
Tôi nói với con: “À KFC… Con muốn ăn cái đó đúng không? Nhưng con à, sẽ thật dễ dàng khi con muốn cái gì đó và con có thể có chúng được ngay. Nhưng không ai trong chúng ta có thể làm được điều đó, và nếu như con có thể kiểm soát ham muốn của bản thân và không mua nó thì con sẽ là một anh hùng. Con thích là người bình thường hơn hay là một anh hùng?”
Con trai tôi trả lời: “Anh hùng bố ạ!”
Tôi hỏi: “Con chắc chắn về câu trả lời đó chứ?”
Con tôi liền đáp: “Con chắc chắn về điều đó và con thực sự muốn là một anh hùng!”
Tôi vui vẻ nói: “Được lắm! Anh hùng! Chúng ta về nhà thôi!”
Từ đó con tôi cũng học được bài học về việc kiểm soát ham muốn của bản thân, không để mình bị lôi kéo đi trước nhiều cám dỗ trong cuộc sống.
5. Sự lựa chọn và kết quả
Một hôm con trai 8 tuổi của tôi đánh nhau với một bạn cùng lớp và khóc lóc chạy về nhà. Nó ấm ức cho rằng bạn nó sai và tức giận ra mặt.
Tôi hỏi nó: “Con dự định làm gì và con có muốn bố giúp một tay không?”
“Bố tìm cho con một viên gạch, ngày mai con sẽ ném bạn ấy từ đằng sau.”
“À bố hiểu rồi, cái đó con có thể làm được, còn gì nữa không?”
“Bố ơi con cũng cần một con dao, con sẽ đâm bạn ấy từ phía sau.”
“Được, cách này có thể làm con hả giận. Bố sẽ lấy mọi thứ cho con.”
Tôi đi lên lầu và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, còn thằng bé có vẻ đang dần bình tĩnh lại. Hai mươi phút sau, tôi mang cho nó rất nhiều quần áo và một cái chăn đã được gói ghém gọn gàng.
“Con này, con hài lòng chứ, gạch hay dao?”
Nó khựng lại và hỏi:
“Nhưng bố ơi, tại sao bố lại mang cho con nhiều quần áo và chăn thế ạ?”
“Con trai! Thế này nhé: Nếu con ném gạch vào cậu ta, cảnh sát sẽ tới bắt chúng ta vào tù một tháng, vì vậy chúng ta cần mang một cái áo khoác và một cái chăn, còn nếu con đâm cậu ấy bằng một con dao thì chúng ta sẽ ở trong nhà tù ít nhất 3 năm, vì thế mà chúng ta cần chuẩn bị nhiều quần áo cho bốn mùa, đúng không? Đó là luật nhân quả mà, con là người quyết định còn bố sẽ là người giúp con.”
“Vậy chúng ta sẽ không làm điều đó nữa bố ạ” – Con trai tôi trả lời.
“Nhưng con rất tức giận cậu ta mà” – Tôi nói.
“Bố à, con không tức giận nhiều như thế, vì thực tế là con sai” – Cậu bé đỏ mặt đáp.
“Được, vậy thì bố sẽ cất đồ đi giúp con.”
Từ đó con tôi học được bài học về việc suy nghĩ kĩ trước khi hành động vì mỗi sự lựa chọn đều dẫn đến một kết quả mà nó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, con tôi cũng nhận thức được việc nuôi dưỡng cơn giận dữ và thù hận trong lòng sẽ chỉ dẫn đến một kết cục không mấy tốt đẹp. Con tôi cần phải bình tĩnh lại, chế ngự cái tôi của nó và công bằng khách quan trong việc đánh giá đúng sai.
6. Hãy cư xử như một quý ông
Khi con trai tôi 9 tuổi, ở lớp học Toán, nó bị rớt hạng khỏi vị trí thứ 4 của lớp và cậu bé trở nên chán nản. Tôi thấy vậy lại gần hỏi nó:
“Điều gì xảy ra vậy?”
“Con đã bị 0 điểm cho bài kiểm tra Toán, bởi vì con ghét cô giáo dạy Toán, lớp học thật là buồn chán.”
“Ồ vậy hả? Con muốn học nâng cao lên hả?” – Tôi hứng thú hỏi nó.
Nó giải thích khá nhiều nhưng tôi có thể hiểu là nó đổ lỗi cho cô giáo không thích nó.
“À bố hiểu rồi, tức là khi cô giáo yêu quý con thì con yêu quý cô giáo và khi cô ấy không thích con thì con ghét cô ta. Con là người tiêu cực hay tích cực?”
“Con là người tiêu cực” – Con trai tôi trả lời.
“Con là người mạnh mẽ hay yếu đuối? Là một quý ông hay là một người bình thường?” – Tôi tiếp tục hỏi.
“Con là người yếu đuối và cũng là một người bình thường” – Cậu bé trả lời
“Vậy con muốn là một quý ông hay là một người bình thường?” – Tôi hỏi lại nó.
Nó trả lời: “Con muốn là một quý ông… Bố à, con hiểu rồi, cho dù cô giáo con có quý mến con hay không thì con vẫn có thể lựa chọn yêu mến cô ấy, tôn trọng cô ấy và là một người mạnh mẽ.”
Ngày hôm sau nó vui vẻ tới lớp, cũng kể từ đó kỹ năng Toán của nó được nâng cao hơn, và nó cũng học được sự khác biệt giữa một quý ông và một người tầm thường.
7. Bài học về nguyên tắc
Khi con trai tôi 10 tuổi, nó bị cuốn hút vào trò chơi điện tử. Vợ tôi đã nói chuyện với nó rất nhiều lần mà không hiệu quả. Một hôm tôi nói với nó: “Con trai, bố nghe nói rằng con rất thích chơi điện tử phải không?”, nó gật đầu thừa nhận. Tôi hỏi nó: “Con thấy thế nào khi trò chơi kết thúc?”
Nó suy nghĩ một lát rồi trả lời: ‘‘Con thấy mất mát, trống rỗng, buồn chán và xấu hổ’’.
‘‘Vậy tại sao con lại chơi? Con không thể rời bỏ nó đúng không?’’ Tôi hỏi.
‘‘Vâng ạ’’.
“Được rồi để bố giúp con.” Tôi đặt máy tính trước mặt con trai và để cái búa vào tay nó.
“Nào giờ con hãy đập nó đi”. Tôi nói.
“Bố!…”. Con tôi ngượng ngùng đáp.
“Đập đi! Bố cần một đứa con trai chứ không phải là cái máy tính.”
Con tôi khóc sau khi đập vỡ máy tính, nhưng bù lại nó cũng học được bài học sâu sắc về đặt ra một nguyên tắc cho bản thân, không đi quá giới hạn và sự chừng mực khi làm bất kể sự việc gì, cũng như dám đưa ra lựa chọn để chiến thắng bản thân.
8. Nói chuyện với mẹ
Khi con trai tôi 11 tuổi, vợ tôi và con tôi chuyển đến sống cùng mẹ tôi ở ngoại thành. Ngày nào tôi cũng gọi điện về để hỏi thăm mẹ. Một hôm con tôi nhấc máy:
“Chào bố.” Nó nói.
“Chào con trai, bà con đâu rồi? Đưa máy cho bố nói chuyện với bà đi con.” Tôi trả lời.
“Bố ơi! Tại sao ngày nào bố cũng gọi điện về nói chuyện với bà vậy?” Nó hỏi.
Dạy con cách quan tâm đến mẹ của chính mình
“Con thấy lạ à? Làm một người con trai cần phải quan tâm tới mẹ của mình nên bố mới gọi điện cho bà thường xuyên.” Tôi trả lời.
Con trai tôi tinh ý nhanh chóng hiểu ra điều tôi muốn nhắn nhủ. Từ đó ngày nào vợ tôi cũng nhận được điện thoại của con trai lúc 6 giờ sáng, dù nắng hay mưa. Đến nay cũng đã 8 năm rồi…
9. Hãy buông bỏ những điều nhỏ nhặt và làm những việc cần làm
Khi con trai tôi 12 tuổi, nó rất lười học và đốt rất nhiều bài tập về nhà. Một buổi tối nó đi lại trong nhà và chị gái tôi hỏi: “Này! Cháu trai, hôm qua con làm vỡ cái đĩa của bác.”
Nó giãy nảy: “Không, không phải con”.
Mẹ của tôi cũng nói thêm vào: “Bà nhìn thấy cháu làm vỡ mà.”
“Không phải cháu, bà đổi oan cho cháu”. Rồi nó lăn ra sàn nhà và khóc.
Năm phút sau tôi đi ra khỏi phòng và hỏi: “Có chuyện gì vậy?”
“Bố ơi! Bà và bác đổ oan cho con”. Nó kêu gào thảm thiết.
“Ồ vấn đề lớn rồi đây, vậy là khi ai đó đổ oan cho con, con cảm thấy thất vọng và khóc lóc trên sàn nhà sao? Con không phải là đàn ông, một người đàn ông thực sự là phải đứng lên ngay cả khi trời sập. Nhưng con thì khóc lóc chỉ vì cái đĩa vỡ mà điều tệ hại nhất còn chưa xảy ra. Trong cuộc sống của con, con có thể bị đổi oan, bị lừa dối, bị sỉ nhục. Và con muốn lăn ra sàn nhà để khóc lóc khi mọi thứ không theo mong muốn của con sao?”
Con trai tôi liền đứng thẳng lưng dậy và nói: “Bố! Con hiểu rồi, vậy giờ con phải làm gì ạ?”
“Con hãy hỏi chính mình, con có dư thừa thời gian để chơi nhưng con vẫn có nhiều bài tập phải làm, vậy việc gì là nên làm trong lúc này? Con hãy nhớ rằng chúng ta cần bỏ qua những điều nhỏ nhặt và hoàn thành những gì quan trọng hơn.”
Con trai tôi nhặt túi lên, cúi đầu trước bà và bác của nó rồi ngoan ngoãn trở về phòng.
Cả 3 chúng tôi đều cười. Một ngày nào đó khi con trai tôi nhớ về ngày hôm nay, nó sẽ hiểu được mục đích tốt đẹp của chúng tôi.
Dạy con trẻ là một việc cần thời gian và sự kiên nhẫn. Cứ mỗi một hành động xảy ra trong cuộc sống đều ẩn chứa một bài học sâu sắc nào đó mà bậc cha mẹ có thể tận dụng. Điều quan trọng là chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ, hiểu chúng và truyền tải thông điệp một cách tế nhị để để chúng tự hiểu ra những điều chúng ta muốn chúng học được. Những bài học trên chính là những bài học làm người, mà không chỉ trẻ con cần học, người lớn chúng ta cũng cần khắc ghi để hành xử hằng ngày và làm gương cho con trẻ.
Ảnh và Nguồn: DaiKyNguyen