Là vị vua đã thay đổi nhiều quy tắc Hoàng gia, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko luôn nỗ lực hết mình để đưa Hoàng gia gần hơn với dân chúng và đoàn kết người dân Nhật Bản vượt qua những thời khắc khó khăn gần 3 thập kỷ qua.
Nhật hoàng Akihito là nhà vua thứ 125 của Nhật Bản, một trong những quốc gia có chế độ quân chủ được duy trì lâu đời nhất trên thế giới. Vương triều Nhật Bản bắt đầu từ năm 660, khi hoàng đế Jimmu lên ngôi, trở thành nhà vua đầu tiên của đất nước.
Là vị vua kế nhiệm Thiên hoàng Hirohito, người đã dẫn dắt nước Nhật qua Thế chiến II, Nhật hoàng Akihito là vị quân chủ duy nhất trên thế giới hiện nay giữ danh hiệu Hoàng Đế (theo CNN).
Sau chiến tranh, vai trò của hoàng đế ở Nhật Bản chỉ còn mang tính biểu tượng, là người đứng đầu quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến. Mặc dù không nắm giữ quyền lực như cha và các bậc tiền nhân, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế trong suốt thời gian cai trị của mình.
Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế trong suốt thời gian cai trị của mình.
Từ khi lên ngôi, Nhà vua Akihito đã cố gắng xóa bỏ hình ảnh xa cách của Hoàng gia với công chúng để tạo nên sự gần gũi với mọi người dân. Sự giản dị và gần gũi của Người đứng đầu Hoàng gia đã được nhìn thấy ngay từ năm 1957, nhà vua Akihito khi ấy là Hoàng Thái Tử đã gặp cô gái Michiko Shoda tại một sân tennis và đem lòng yêu bà. Sau đó bà trở thành Hoàng hậu và là Hoàng hậu đầu tiên có xuất thân từ một người dân bình thường.
Nhà vua Akihito khi ấy là Hoàng Thái Tử là người đầu tiên cưới cô gái thường dân làm vợ
Cho đến nay, những lúc rảnh rỗi, nhà Vua và Hoàng hậu vẫn cùng nhau chơi tennis, môn thể thao đã đưa ông bà đến với nhau 60 năm về trước. Dù công việc chính thức rất bận rộn nhưng nhiều năm qua, nhà vua Akihito vẫn dành thời gian cho các công việc như nghiên cứu cá, sáng tác waka – một loại thơ cổ của Nhật Bản và vẫn tự trồng cũng như thu hoạch lúa.
Nhà Vua và Hoàng hậu cùng nhau chơi tennis, môn thể thao đã đưa ông bà đến với nhau 60 năm về trước.
Đối với người dân Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito là người lãnh đạo tinh thần quan trọng và Hoàng gia Nhật Bản đã có những đóng góp to lớn trong việc đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Trong suốt 28 năm trên cương vị người đứng đầu Hoàng gia, nhà vua Akihito đã đặt chân đến tất cả địa phương trên toàn quốc, thăm hỏi những khu vực bị thiên tai, quan tâm đến những người thiệt thòi trong xã hội.
Mỗi năm, ngài gặp gỡ rất nhiều người đủ mọi tầng lớp xã hội tại Hoàng cung, từ các quan chức chính phủ đến lãnh đạo địa phương, nông dân, ngư dân, doanh nhân… Ngài và Hoàng hậu Michiko cũng đến thăm các tỉnh thành, đảo xa, tới các cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để trực tiếp gặp gỡ, động viên, khích lệ người dân địa phương, đặc biệt là các vùng hứng chịu thiên tai.
Trong bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình sau thảm họa động đất sóng thần diễn ra ở Nhật Bản năm 2011, Nhật hoàng Akihito đã sử dụng tiếng Nhật hiện đại, gần gũi, thay vì ngôn ngữ triều chính vốn xa lạ với đa số người dân nước này: “Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi hy vọng người dân sẽ cùng nắm tay nhau, đối xử với nhau bằng tình thương và cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn”.
Nhật hoàng đã cùng Hoàng hậu Michiko đã tới thăm vùng hứng chịu thảm họa, cúi mình hỏi han những người bị mất nhà cửa. Hành động này đã thể hiện lòng cảm thông của Hoàng gia đối với dân chúng.
Nỗ lực đưa Hoàng gia gần hơn với người dân còn được thể hiện trong mong muốn thoái vị của Nhật hoàng Akihito. Theo hiến pháp, hoàng đế Nhật Bản là nam giới và họ phải nắm giữ ngôi vị này cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 8 năm ngoái bất ngờ tuyên bố muốn nhường ngôi vì tuổi cao, sức yếu.
Theo chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản Eri Hotta, việc Nhật hoàng thoái vị là một vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản hiện nay, bởi điều đó đòi hỏi Quốc hội Nhật phải sửa đổi Luật Hoàng gia trong một quá trình rất phức tạp. Nó cũng có thể làm trì hoãn các kế hoạch mà Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi nhằm cải cách hiến pháp hòa bình của đất nước, trao nhiều vai trò hơn cho quân đội.
Nhật hoàng Akihito nhấn mạnh rằng ông muốn thoái vị không chỉ vì do tuổi tác và sức khỏe, cho rằng đây là thời điểm để Nhật Bản xem xét lại quy định về kế vị trong tương lai. Ngài hy vọng rằng các hoàng đế Nhật Bản cũng có thể thoái vị tương tự những gì các nhà vua, nữ hoàng Hà Lan, Bỉ hay thậm chí là Giáo hoàng đã làm trước đây.
Hotta cho rằng thông điệp mà Nhật hoàng Akihito muốn đưa ra là các hoàng đế dù sao cũng đều là con người chứ không phải thánh thần, cũng phải trải qua những quy luật như bất cứ người thường nào khác, trong đó có vấn đề tuổi tác.
Nhật hoàng tự trồng và thu hoạch lúa
“Nhật hoàng Akihito muốn sát cánh cùng người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, gần gũi với họ trong từng nếp nghĩ. Chính niềm tin vào người dân và sự sẵn sàng đứng lên vì niềm tin đó của ngài, hơn là việc được ngẫu nhiên sinh ra trong gia đình hoàng tộc, mới là biểu tượng quốc gia đúng đắn của một đất nước Nhật Bản dân chủ”, Hotta nhấn mạnh.
Ảnh và Nguồn: DaiKyNguyen